Wednesday, September 15, 2010

Thursday, June 3, 2010

Nha Kỹ Thuật Đại Hội Lần Thứ Tám 2010 / Nam California




Tin Anaheim – Nha Kỹ Thuật không phải là trường kỹ thuật Cao Thắng, cũng không phải trường đại học kỹ sư Phú Thọ, hoặc trường Kiến Trúc Sư tại Việt Nam trước 30 tháng Tư năm 1975. Nha Kỹ Thuật là tên gọi một đơn vị khiêm nhường về quân số nhưng hãnh diện về công tác vĩ đại thuộc lãnh vực phá hoại và tình báo của Quân Lực VNCH.
Những “bóng ma biên giới” là danh từ ám chỉ những người lính vô danh thuộc đơn vị Nha Kỹ Thuật mà dân chúng thường biết như là chiến sĩ Lôi Hổ. Một đơn vị ưu tú của QLVNCH được thành lập cách đây 46 năm. Được thành lập năm 1964 với sự huấn luyện và yểm trợ tối đa của các đơn vị cố vấn Hoa Kỳ nhưng tổ chức rất bí mật và khiêm nhường. Từ những đơn vị Liên đoàn 77, đến Biệt Kích Nhảy Bắc cuối cùng là những toán hoạt động được gọi Sở dưới danh xưng Nha Kỹ Thuật như Sở Bắc, Sở Công Tác, Sở Phòng Vệ Duyện Hải, Sở Không Yểm, Sở Tâm Lý Chiến …v…v…
Độc giả muốn biết thêm chi tiết về đơn vị bí mật này và đã để lại nhiều chiến sĩ can trường trong lòng đất mẹ vui lòng vào đọc trang blog tại mạng điện tử: http://loiho.blogspot.com/
Chiều thứ Sáu 28/5/2010 một buổi lễ truy điệu Chiến Sĩ Trận Vong được tổ chức với sự hiện diện dân cử duy nhất là Nghị viên Frank Fry và phu nhân. Mặc dù Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ đang trong thời kỳ tu bổ và sửa sang. Nguyên tắc không được xử dụng. Nhưng với sự can thiệp của Phó Thị Trưởng Frank Fry cũng là chủ tịch Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Việt Mỹ buổi lễ đã được cử hành trong trang nghiêm với hàng trăm các chiến sĩ Lôi Hổ và gia đình, những cánh dù bạt gió muôn phương từ khắp 4 phương trời 10 phương hướng, mỗi 2 năm tụ tập về tham dự Đại Hội có cơ hội đặt vòng hoa Tưởng Niệm những đồng đội kém may mắn.
Năm này đại hội đã bầu chọn Lôi Hổ Đoàn Hữu Định từ Virginia lên làm Tổng Hội Trưởng thay thế chiến hữu Võ Tấn Y (Hội trưởng Dallas) đã mãn nhiệm sau 2 nhiệm kỳ gánh vác. Buổi tối cùng ngày Đại Hội đã thu hút gần 700 Lôi Hổ gia đình, thân hữu, và các hội đoàn cựu quân nhân đặc biệt là những phi đoàn trực thăng được biệt phái hoạt động riêng cho Nha Kỹ Thuật trong các phi vụ thả toán, bốc toán và yểm trợ nổi tiếng như phi đoàn 219, 215 …v..v…
Chương trình kéo dài với những nghi lễ khai mạc chào Quốc Kỳ Việt Mỹ, Mặc Niệm và phần truy điệu Chiến Sĩ Trận Vong đầy cảm động. Lôi Hổ Võ Văn Hương đã hoàn tất một hộp gỗ lưu động cao 6 ft, dài 4 ft và ngang 3 ft, không ai biết là gì ngoại trừ 2 mặt hông là danh sách các Lôi Hổ và cố vấn đã hi sinh, mặt trước là một bảng màu đen chữ trắng “Tổ Quốc Ghi Ơn, Đồng Đội Thương Tiếc.” Bên trong là hình tượng người chiến sĩ Lôi Hổ trong quân phục nhảy toán với vũ khí trang bị đặc biệt của đơn vị Lôi Hổ, Nha Kỹ Thuật. Khi cử hành lễ truy điệu thì bức tượng được máy điều khiển đưa nhô lên từ bên trong hộp bằng máy, lúc đó mọi người mới biết đó là hình ảnh năm xưa người “chiến sĩ vô danh”. Dù quỳ gối trong thế tác chiến mà chiều cao gần đụng trần nhà. Cùng với hệ thống phun khói làm khung cảnh càng thêm thê lương cảm động. Xem trọn bộ hình ảnh tại đây: http://kbchaingoai.iboards.us/viewtopic.php?t=1829
Trong không khí âm u tối đen của nhà hàng Seafood Kingdom, với bài văn tế Chiến Sĩ Trận Vong của truyền thống trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, quan khách không khỏi bùi ngùi thương xót cho thân phân người chiến sĩ Lôi Hổ nói riêng và QLVNCH nói chung. Mặt trước của kỳ đài là một pano màu đen chữ trắng: “Tổ Quốc Ghi Ơn, Đồng Đội Thương Tiếc.” Hai bên sân khấu treo 2 tấm liễn nền vàng chữ đỏ:

“Nhớ thuở thanh xuân, Ôi một thời ngang dọc,
Nay tuổi về chiều, Ôn lại chiến công xưa”


Phông sân khấu là tấm bảng lớn vẽ những chiếc trực thăng đang bay thả toán biệt kích Lôi Hổ trong những rừng núi âm u. Chủ tọa buổi lễ hôm nay là cựu Đại tá Liêu Quang Nghĩa đến từ Houston Texas. Chương trình rất dài với nhiều tiết mục như: vinh danh các quả phụ của Biệt Kích Lôi Hổ, đọc diễn văn của vị chủ toạ, phần tâm sự của cựu Thiếu tá Lê Hữu Minh (17 năm tù,) Biệt Kích Nguyễn Hùng Trâm người huấn luyện viên từ những ngày thành lập, luôn gắn bó với binh chủng cho đến giờ phút cuối 30/4/1975 và đi tù. Nay đã trở thành phế nhân di chuyển bằng xe lăn vì tuổi đời đã cao.
Chương trình văn nghệ với sự mở đầu của Ban Tù Ca Xuân Điềm, ca sĩ Trúc Mai đến từ San José, Phượng Khanh, Lệ Hằng, Vân Khanh, và các ca sĩ cây nhà lá vườn. Mọi người chia tay ra về lúc 12 giờ khuya với những bịn rịn quyến luyến sau lời hẹn gặp nhau trong Đại hội kỳ 9 tháng 7 năm 2012 tại Oregon, Portland.
Nguyễn Phương Hùng
===
Đêm Tưởng Nhớ Mẹ Việt Nam Của Các Chiến Sĩ Lôi Hổ
Thanh Phong/Viễn Đông

ANAHEIM. Với chủ đề “Đêm Tưởng Nhớ Mẹ Việt Nam” , Đại Hội Nha Kỹ Thuật kỳ VIII diễn ra vào dịp lễ Chiến Sĩ Trận Vong, tổ chức tại Seafood Kingdom Chinese Restaurant số 9802 Kattela Avenue , thuộc thành phố Anaheim vào tối Chúa nhật, ngày 30 tháng 5 vừa qua đã để lại ấn tượng thật tốt đẹp cho những người hiện diện; Trang trọng, xúc động và thắm tình huynh đệ chi binh .
Hơn 600 chiến sĩ thuộc Nha Kỹ Thuật, thường được gọi là Lực Lượng Biệt Kích Dù hay Biệt Kích Lôi Hổ từ khắp nơi trên thế giới đã có mặt với quân phục chỉnh tề . Tuy đã gặp nhau từ một hai ngày trước, nhưng tối nay, trước giờ khai mạc, họ đã tập trung phía ngoài nhà hàng, tay bắt mặt mừng và thăm hỏi nhau rối rít như sợ không còn đủ thời gian cho lần gặp gỡ cứ hai năm mới tái diễn một lần.
Ngay phía trong cửa chính nhà hàng, chiến hữu Lê Minh túc trực bên tấm bản đồ Việt Nam do ông thực hiện; Trên tấm bản đồ này ghi những địa điểm các toán Biệt Kích đã đổ quân, hầu hết ngay trong lòng đất địch, từ bờ Băùc Bến Hải đến sát biên giới Việt – Trung.Nhiều chiến hữu tay chỉ vào tấm bản đồ miệng nói với chúng tôi: “Đây là chỗ tôi “đáp” đó anh.
Sân khấu nhà hàng được ban tổ chức trang trí bằng một tấm phông khá lớn vẽ hình chiếc trực thăng UH1 đang trong tư thế đổ quân. Hai bên sân khấu có câu đối:

“Nhớ thuở thanh xuân một trời ngang dọc
Nay tuổi xế chiều ôn lại chiến công xưa”

Vào phía trên sân khấu, một tấm biểu ngữ ghi chủ đề của Đại Hội kỳ VIII “Đêm Tưởng Nhớ Mẹ Việt Nam”như nhắc nhở các đồng đội Lôi Hổ: Đêm nay, đêm nhớ về Mẹ Việt Nam, người mẹ đang ấp ủ thân xác của những người con Lôi Hổ đã bỏ mình nơi rừng núi âm u miền Việt Bắc hay đang cưu mang thân phận đoạ đày của những người con Biệt Kích sống lây lất, sống vất vưởng trong xã hội ngục tù cộng sản Việt Nam!
Sau một thời gian khá lâu, ban tổ chức lúng túng không tìm được phương cách giải quyết cho hơn 600 người có mặt vì hầu như các bàn đã chật kín người, cuối cùng đành kêu gọi các chiến hữu Lôi Hổ đứng, nhường chỗ ngồi cho khách.
Nghi thức khai mạc diễn ra trang trọng; các chiến sĩ Lôi Hổ trong quân phục chỉnh tề đứng hai hàng chào đón tóan rước Quốc, Quân kỳ vào vị trí hành lễ. Mọi người cùng đồng ca bản quốc ca Việt Nam Cộng Hòa và cô Bích Trâm hát quốc ca Hoa Kỳ.
Giây phút tưởng niệm thật bùi ngùi, xúc động. Trong âm thanh của tiếng gió hú, tiếng động cơ trực thăng từ xa vọng lại, nhỏ dần, nhỏ dần rồi một âm thanh kỳ lạ phát ra bỗng từ trong đài tưởng niệm đặt phía trước khán đài, một bức tượng chiến sĩ Biệt Kích Lôi Hổ từ từ nhô lên trong làn khói mờ ảo cùng với tấm bảng “Tổ Quốc Ghi Ơn, Đồng Đội Thương Tiếc”. Trong lúc đó 5 chiến sĩ Biệt Kích Lôi Hồ trong quân phục tác chiến tái diễn lại cảnh đổ quân vào lòng đất địch, tay ôm ghì khẩu súng, tai nghe ngóng và đôi mắt hướng về phía trước chờ đợi..cùng lúc, giọng trầm buồn của người xướng ngôn đưa mọi người về núi rừng âm u miền Bắc, nơi nhiều chiến sĩ Lôi Hổ đã anh dũng nằm xuống trong lòng đất Mẹ Việt Nam, và nhiều người khác chịu cảnh đọa đày, tức tưởi trong các trại tù khổ sai dưới chế độ Cộng sản bạo tàn!
Giây phút cảm động trôi qua, Ban tổ chức giới thiệu quan khách và các niên trưởng trong ngành có mặt. Về phía quan khách, chúng tôi thấy có ông Nguyễn Văn Tánh, Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Hoa Kỳ, Luật sư Nguyễn Xuân Nghĩa, Chủ tịch Cộng Đồng Việt Nam, Ông Vũ Quang Ninh, Tổng Giám Đốc Little Saigon Radio, Hồn Việt và Việt Tide,Chiến hữu Trần Quang An, Cố Vấn Tập Thể Chiến Sĩ VNCH hải ngoại, Chiến hữu Phan Tấn Ngưu, Chủ tịch Liên Hội Cựu Chiến Sĩ, Tổng Hội Trưởng Tổng Hội Cảnh Sát Quốc Gia, Chiến hữu Hải Quân Đặng Thanh Long; Thiếu tá Hải Quân Hoa Kỳ Phan Vĩnh Chinh và đại diện các Hội Đoàn, Binh chủng bạn. Ban tổ chức cũng trịnh trọng giới thiệu các Qủa phụ tử sĩ Nha Kỹ Thuật hiện diện.
Một số Niên trưởng Nha Kỹ Thuật và ông Vũ Quang Ninh được mời lên niệm hương trước bàn thờ.
Cựu Đại tá Liêu Quang Nghĩa, Nguyên Chỉ Huy Trưởng Sở Liên Lạc – Nha Kỹ Thuật, Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH đọc một bài diễn văn rất cảm động và xúc tích, nói lên tất cả những gì mọi người muốn biết về người chiến sĩ Biệt Kích Lôi Hổ Nha Kỹ Thuật.
Niên trưởng Liêu Quang Nghĩa bắt đầu bằng 4 câu thơ trích từ bài “Anh Hùng Vô Danh” của thi sĩ Đằng Phương tức cố giáo sư Nguyễn Ngọc Huy:

“Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mông mênh
Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước”

để xưng tụng những chiến sĩ Việt Nam đã âm thầm hiến thân vào công trình kiến quốc và báo quốc. Sau đó ông nói:
“Ví như ai có hỏi tôi: “Thế những Anh Hùng Vô Danh của QLVNCH là ai? Thì tôi xin thưa rằng: “Họ rất đông, nhưng tiếc là tôi không được biết hết và nhiều về họ”. Nhưng nếu ai có hỏi: ‘Thế những Anh Hùng Vô Danh của Nha Kỹ Thuâït là ai? Thì tôi có thể thành khẩn trình rằng: “Họ cũng rất đông và tôi có biết được khá nhiều về họ.”
Vậy các anh hùng Nha Kỹ Thuật là ai? Họ là những thanh niên khẳng khái đứng lên đáp lời sống núi, khi đất nước bị cường địch xâm lấn. Họ tình nguyện hiến thân dưới cờ, khi quân đội cần sự đóng góp máu xương của công dân Việt Nam Tự Do. Họ đã trải qua thời kỳ huấn luyện thật kỹ càng để trở thành những chiến binh đa năng, kiến hiệu. Họ biết xử dụng hầu hết các loại vũ khí thông dụng và đặc biệt, hầu hết các trang bị và dụng cụ với kỹ thuật tân kỳ.
Họ được huấn luyện nhảy dù điều khiển từ các cao độ, họ còn học cách xâm nhập đất địch bằng không vận và hải vận. Họ còn phải học cả cách sống trong đất địch, hội nhập với dân của địch, sống trong cõi địch một cách tự nhiên, lọt qua tầm mắt kiểm soát và truy lùng của địch. Hơn thế nữa, một số được chỉ định công tác tại nước ngoài với nhiệm vụ sưu tập tin tức quân sự.
Họ được tuyển chọn trong thành phần ưu tú, giữa các chiến binh tinh hoa của Nha Kỹ Thuật, chuẩn bị hành trang và tinh thần, sẵn sàng nhận lệnh lên đường. Họ thật sự thành những Chiến Sĩ Vô Danh, hay trang trọng hơn, họ thành những Anh Hùng Vô Danh khi họ từ bỏ tên – họ, số quân và lý lịch.
Đề cập đến những nơi chốn người chiến sĩ Lôi Hổ đặt chân đến và nhiệm vụ của họ, Niên trưởng Liêu Quang Nghĩa nói: “
“Nơi họ đến, họ chỉ biết tọa độ tùy theo nhiệm vụ được giao phó, không được biết thêm chi tiết nào khác, có khi cả địa danh. Khi công tác hoàn thành, có người đã hy sinh, có người được trở về, và trong những người được trở về, có một số đang hiện diện với chúng ta trong buổi họp mặt hôm nay. Những công tác của họ, ngoài cấp chỉ huy hữu nhiệm của Nha Kỹ Thuật, không ai biết họ đã làm gì, ở đâu, thành qủa ra sao và hậu qủa như thế nào? Nếu họ sa cơ lọt vào tay địch, họ không được đối xử như tù binh, vì Quân Đội nào sẽ nhìn nhận họ? Họ không được truy cứu như người mất tích, vì Quốc Gia nào có danh tánh và số quân làm chứng tích để can thiệp cho họ. Và nếu rủi ro hơn nữa, họ ngã gục trước mũi đạn quân thù thì xác họ thành tử thi vô danh, vô chủ!
Họ là ai? Họ là những Chiến Sĩ Vô Danh, đã hy sinh bảo vệ miền Nam tự do suốt cuộc chiến dài. Đã có nhiều người nằm xuống trong cõi địch. Có nhiều người còn bị địch giam cầm, có thể còn có những người đang tiếp tục sống trong lòng địch, tiếp tục cộng tác trong hình thức khác với niềm tin sắt đá bảo vệ chính nghĩa quốc gia.
Vị niên trưởng Nha Kỹ Thuật cũng không quên nhắc đến sự tận tụy hy sinh của những người phục vụ bí mật nơi hậu phương như các anh em Sở Tâm Lý Chiến với những cống tác đánh lừa địch trong chương trình phát thanh “Gươm Thiêng Ái Quốc” , những người Cộng sản Đông Dương trong đài Cờ Đỏ và Đài Tiếng Nói Tự Do..
Đại tá Liêu Quang Nghĩa nhấn mạnh: “Khơi trào dĩ vãng hôm nay không phải là khuấy động tro tàn. Khơi trào dĩ vãng hôm nay là nhen nhúm lửa thiêng để nung nấu niềm tin vào tương lai sáng lạn của một nước Việt Nam Tự Do, trong đó sẽ có vị trí xứng đáng cho những Anh Hùng Vô Danh Nha Kỹ Thuật. Nhắc đến họ hôm nay là làm sống lại nếp sống kiêu hùng của các chiến hữu của chúng ta đã hy sinh cho chính nghĩa quốc gia.
Cuối cùng, hướng về các đồng đội, Đại tá Liêu Quang Nghĩa thành khẩn:
“Trong khi chúng ta họp nhau ở đây để khơi trào dĩ vãng thì ở quên nhà vẫn còn có những chiến binh Nha Kỹ Thuật, đang tiếp tục công tác đấu tranh cho quốc gia và dân tộc, dưới những hình thức khác và việc làm khác, vì họ đinh ninh rằng chúng ta không quên họ – chưa bao giờ quên họ. Xin anh em Nha Kỹ Thuật có mặt ở đây cùng tôi im lặng một giây, kính cẩn nhớ đến họ, dù họ hiện còn hay đã khuất.”
Bài diễn văn của đại tá Liêu Quang Nghĩa được nồng nhiệt đón nhận bằng một tràng pháo tay rất lâu.
Tiếp đến là phần nghi thức trao hiệu kỳ giữa cựu và tân Tổng Hội Trưởng. Niên Trưởng Đại tá Liêu Quang Nghĩa nhận hiệu kỳ đơn vị từ cựu Tổng Hội Trưởng Võ Tấn Y để ông trao lại cho tân Tổng Hội Trưởng Đoàn Hữu Định trong tiếng vỗ tay vang rền của các chiến hữu.
Nhạc sĩ Xuân Điềm và Ban Tù Ca Xuân Điềm đã làm cho không khí Đại Hội trở nên sôi động khi đồng ca nhạc phẩm “Vòng Hoa Thương Tưởng”, thơ Phương Lâm, nhạc sĩ Lê Dinh phổ nhạc. Nhạc phẩm thứ hai, Ban Tù Ca Xuân Điềm trình bày là nhạc phẩm “Chiến Sĩ Vô Danh”. Theo lời đề nghị của chiến hữu Phạm Hòa MC của Đại Hội, tất cả các chiến hữu Lôi Hổ cùng bước lên sân khấu và một số đông phải đứng phía dưới, đồng thanh hát bài ca ngợi Chiến Sĩ Vô Danh. Hàng trăm tiếng hát oai hùng cất lên hùng tráng khiến MC Phạm Hòa sau đó phải thốt lên: “Chưa bao giờ anh em Nha Kỹ Thuật có được một giây phút biểu lộ khí thế hùng hồn như hôm nay” Thay mặt ban tổ chức, MC Phạm Hòa cám ơn nhặc sĩ Xuân Điềm và anh chị em nghệ sĩ trong Ban Tù Ca, những người luôn đem tiếng hát đấu tranh đi khắp nơi chống bạo tàn cộng sản.
Đại Hội Nha Kỹ Thuật kỳ VIII bước sang phần ẩm thực và văn nghệ với nhiều ca sĩ tên tuổi như Mai Ngọc Khánh, Phương Hồng Quế, Trúc Mai v.v.. và kéo dài đến gần nửa đêm mới kết thúc sau lời cảm tạ của ban tổ chức. Mọi người chia tay, hẹn nhau tái ngộ vào Đại Hội kỳ IX sắp tới./







Sunday, April 19, 2009

Loi Ho Nguyen Bac Ai Mk2 /



Nhảy Dù Cố Gắng
Lôi Hổ Chết Bỏ

Thursday, March 19, 2009

Tưởng Niệm 30 Năm Quốc Hận


Tưởng Niệm 30 Năm Quốc Hận, Lễ Giỗ Chiến Sĩ Hy Sinh Vì Tổ Quốc: Xướng Danh, Phủ Quốc Kỳ 600 Biệt Kích Nha Kỹ Thuật Tử Sĩ Việt Báo Thứ Hai, 4/25/2005, 12:00:00 AM
Westminster (VB) . -Dưới những lá quốc kỳ uy nghi lồng lộng bay ở công viên Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, và bên cạnh vòng hoa tưởng niệm cùng quân trang người biệt kích "nhảy toán", hơn 600 người chiến sĩ NHA KỸ THUẬT từng chết vô danh trong cuộc chiến VN lần đầu tiên đã được xướng danh công khai trong Lễ tưởng niệm sáng Thứ Bảy 23-4 vừa qua. Liền sau đó 5 tiếng đồng hồ, một Lễ Giỗ trang trọng với nghi thức phủ lá Quốc kỳ VNCH đã diễn ra trong Lễ Truy Điệu tại hội trường Thị Xã Westminster để tưởng niệm và tri ân những anh linh tử sĩ Nha Kỹ Thuật từng chết vô danh trên chiến trường hai miền Nam, Bắc VN...
Lễ phủ quốc kỳ lên quan tài người chiến sĩ Nha Kỹ Thuật diễn ra giữa bóng tối thâm u của hội trường, chỉ với ánh sáng từ 6 ngọn nến lập lòe đặt bên trái bàn thờ. Trong khói súng xông lên từ chân pho tượng chiến sĩ biệt kích ôm súng phóng lựu CAR-15 với đầy đủ trang bị tác chiến như bản đồ, lựu đạn, hỏa hiệu,máy GRC-9, C-25,... được thiết trí bên phải bàn thờ, trong tiếng kèn thúc quân ra trận hào hùng xen lẫn tiếng sáo tiếng tiêu ai oán được trổi lên cùng với nhạc đệm chiêu niệm hồn tử sĩ, hơn 200 đồng đội người đã khuất cùng quan khách, thân nhân đã nghiêng mình mươi phút mặc niệm hàng trăm biệt kích Nha Kỹ Thuật đã đền nợ nước.
Những chiến sĩ vô danh từ nhiều thập niên qua, nay đã được xướng tên và được Tuyên dương Cộng Trạng. Các Hòa Thượng Thích Chơn Thành, Thích Giác Nhiên cùng quan khách đã làm lễ dâng hương lên anh linh tử sĩ...
Hai buổi lễ trưa và chiều tối tại Tượng Đài Chiến Sĩ và tại hội trường thị xã, do các biệt kích Nha Kỹ Thuật Phạm Hòa và Vũ văn Huyền làm trưởng ban tổ chức.
Tại Tượng đài Chiến Sĩ , Lễ xướng danh từng người, từng toán biệt kích thuộc Nha Kỹ Thuật đã diễn ra long trọng và trang nghiêm với sự tham dự khoảng 150 biệt kích, hậu duệ biệt kích cùng gia đình, đồng bào và quan khách. Một bảng danh sách được chưng ra cạnh vòng hoa tưởng niệm và quân trang người lính nhảy toán. Danh sách người lính vị quốc vong thân này gồm đủ 6 Sở (Sở Bắc, Sở Liên Lạc, Sở công tác,Sở phòng vệ Duyên hải, Sở Tâm lý chiến, Sở Không Yểm) của Nha Kỹ Thuật mà họ thu thập được từ những người còn sống sót đến hôm nay, "vẫn chưa đầy đủ và sẽ thu thập tiếp", theo lời biệt kích Phạm Hòa trưởng ban tổ chức Lễ truy điệu và xướng danh tại đây.

Danh sách chiến sĩ đã bỏ mình âm thầm nêu trên chưa một lần được vinh danh, và buổi lễ trưa 23-4 là lần đầu tiên được đọc tên công khai .Người ta đọc thấy từ tên tuổi của biệt hải Võ Chàng, đến Đại tá Hồ Tiêu, là những chiến sĩ nhảy toán vào lòng địch trong cuộc chiến tranh ngoại lệ, đã bỏ mình tại Bắc Việt, Lào, Kampuchia trong các mật khu Nam VN, đường mòn Hồ chí Minh...
Quan khách tham dự có mặt thiếu tá TQLC Bill Mimiaga, nữ DB Loretta Sanchez, , nghị viên Frank Fry, nhiều đại diện hội đoàn, THSV, Đoàn thanh niên PBC...
Đặc biệt trong buổi lễ truy điệu tại Tượng đài, toán thủ quốc quân kỳ gồm những thanh niên thuộc gia đình biệt kích là thế hệ hậu duệ. Ngoài việc đảm trách rước quốc quân kỳ trong buổi lễ, các em đã đóng góp công sức trong việc tổ chức, thu dọn, nên vào buổi Lễ Giỗ lúc xế chiều, các em được Tổng Hội ái hữu Nha Kỹ Thuật tặng bằng khen thưởng. Thay mặt cả toán, hai em Vũ Thái và Vũ Thảo lên nhận lãnh.
Tại hội trường Thành phố Westminster, lúc 5 giờ chiều là lễ tưởng niệm các Anh linh Tử sĩ Nha Kỹ Thuật. Đây là Lễ Giỗ cũng lần đầu được tổ chức trọng thể để vinh danh chiến sĩ thuộc 6 Sở của NHA KỸ THUẬT đã hiến dâng đời mình cho Tổ quốc, mà đa số không có nấm mồ ngoài lá cây rừng phủ xuống hình hài, theo lời kể của người điều hợp chương trình: biệt kích Đặng văn Thạnh.
Mở đầu, ông Tổng hội trưởng Võ tấn Y đã nói về ý nghĩa Lễ tưởng niệm, nêu cao vai trò người chiến sĩ Nha Kỹ Thuật trong cuộc chiến chống Cộng Sản bảo vệ chính nghĩa Tự do. Tiếp đó, ông Vũ văn Huyền trưởng ban tổ chức nêu tiểu sử của Nha Kỹ Thuật từ Sở khai thác địa hình, Sở Bắc những năm tiên khởi, đến ngày mất nước.
Niên trưởng Vũ quang Ninh trong quân phục biệt kích, từng là giám đốc Đài Gươm Thiêng Ái Quốc cũng lên tiếng ca ngợi vai trò những chiến sĩ hào hùng Nha Kỹ Thuật là những người con yêu của Mẹ Việt nam. "Nhiều người con yêu dấu đó đã nằm xuống để chúng ta có ngày hôm nay!". Ôâng cất giọng ngậm ngùi nói tiếpá, chúng ta đã mất tất cả,nay chỉ còn có nhau, chúng ta hãy tham gia những hoạt động của cộng đồng người Việt hải ngoại, cảnh giác trước những phần tử phá hoại cộng đồng để chống âm mưu chia rẽ của Cộng sản qua nghị quyết 36.
Trong lúc Niên trưởng Trần kim Khánh nói về hoạt động của 6 Sở Nha Kỹ Thuật, thì màn hình rộng đặt cạnh bàn thờ đã chiếu tài liệu chiến sĩ biệt kích từng hoạt động trước đây với những hình ảnh kiêu hùng của "Những cánh dù trong đêm tối", "những toán xâm nhập vào vùng địch" "cố Đại tá Ngô thế Linh", "chuẩn bị nhảy toán ra Bắc", "đơn vị trực thăng thả toán ra Bắc", "hoạt động của Sở Phòng vệ duyên hải", ..v.v.
Các chiến hữu Nha Kỹ Thuật người thì khoác đồ trận, người mặc thường phục, đã ngồi chung với quan khách và đồng bào theo dõi hình ảnh và lắng nghe lời kể về hoạt động của 6 Sở : Sở Bắc, Sở Công tác, Sở Liên Lạc, Sở Tâm lý Chiến,sở Không yểm và Sở Phòng vệ Duyên hải. Người ta nhìn lên bàn thờ, thấy ngoài lư hương và bình hoa còn có dĩa trái cây, dĩa đồ hộp lương khô của biệt kích, và hai con heo quay khá lớn. Phía phải, một bàn dài chưng bày quân trang và vũ khí người lính biệt kích nhảy toán được trang bị, từ khăn choàng cổ đến súng đạn, đèn pin, đèn hỏa hiệu, khăn biểu tín hiệu và máy truyền tin liên lạc với máy bay, cũng những huy chương quân đội.
Đến phần lễ truy điệu và lễ phủ cờ cho các chiến sĩ đã bỏ mình, đèn hội trường phụt tắt! Một tượng đài người lính biệt kích nhảy toán bất ngờ hiển lộ ra như thể hương hồn người chiến sĩ linh thiêng theo gió tề tựu về đây chứng kiến những đồng đội đang làm lễ giỗ cho mình. Sáu cây đèn mang tên 6 Sở của NHA KỸ THUẬT trở thành những ngọn nến lung linh giữa khi khói súng xông lên từ đôi chân bức tượng đài người lính biệt kích, nơi mà tấm bản đồ hành quân, nón sắt, la bàn, súng đạn, máy truyền tin, ba lô...đã sẵn sàng đưa người biệt kích vào tư thế chiến đấu...
Mọi người sững sờ, có kẻ rơi lệ. Tất cả yên lặng chào kính, nghiêng mình, trong khi tiếng kèn đưa tiễn quyện cùng tiếng tiêu tiếng sáo nghe ai oán như tiếng gọi hồn thiêng sông núi tiễn đưa người chiến sĩ đi vào miền vĩnh cửu không bao giờ trở về đoàn tụ gia đình. Pha vào đó, là những tiếng điệu nhạc thúc quân được trổi lên dập dồn như vó ngựa chinh phu, có lẽ để mô tả hào khí của người lính một thời tung hoành trên trận mạc ! Cả nhạc buồn lẫn nhạc hùng hòa quyện thành một không khí bi tráng mà nghiêm trang, kính cẩn. Rồi những người biệt kích giương cao lá quốc kỳ vàng ba sọc đỏ ra, trải phủ lên một quan tài tượng trưng người chiến sĩ đã ra đi...
Mươi phút mặc niệm, chiêu hồn và Lễ phủ kỳ kết thúc. Đèn bật sáng, người ta nhìn rõ hơn hàng chữ dưới bức tượng người biệt kích: TỔ QUỐC GHI ƠN, ĐỒNG ĐỘI THƯƠNG TIẾC.
Kế đó, là Lễ tuyên dương công trạng những chiến sĩ Nha Kỹ Thuật từng chiến đấu âm thầm, đền nợ nước vô danh chưa một lần được vinh danh công khai, những người bị địch bắt, tù đày, vẫn nêu cao chí khí,..
Trước khi lễ dâng hương, là phần văn tế. Biệt kích đại úy Huỳnh ngọc Thương với bài văn tế gây nhiều xúc động cho mọi người:
...nhớ linh xưa,
tung hoành ngang dọc,
ra Bắc vào Nam,
lên rừng xuống biển,
bao chàng trai ra đi dâng hiến cả đời hoa,
...
Thà chiến tử vô danh,
Quyết một thân dũng kiệt
Nguyện châu về hiệp phố,
Nam Bắc một nha,ø
Đất Mẹ yên vui muôn thuở,
Lạc nghiệp âu ca
Nên đầu quân diệt giặc,
Đánh đuổi Bắc phương
Trải mấy phen nằm gan nếm mật
......,
Nhảy toán vào lòng địch để thi hành nhiệm vụ Nha Kỹ Thuật giao phó, nhưng các chiến sĩ biệt kích nhiều người đã sáng tác nhiều bài thơ giá trị. Thiếu Úy Phạm Hòa sau đó đã đọc một bài thơ của Trung tá Hà xuân Oánh, chỉ huy trưởng đoàn công tác 68. Đây là bài thơ được niêm yết bên dưới bảng danh sách 600 tử sĩ Nha Kỹ Thuật trong Lễ Xướng Danh tưởng niệm tại công viên Tượng Đài:
"..Lôi Hổ chết, ai người xây nấm mộ,
Lá cây rừng phủ lên xác thân anh,
Sống gian nguy đói khổ giữa rừng xanh,
Ôi nghiệt ngã bao linh hồn oan khuất !
Biệt hải chết tay ôm mìn kích nổ,
Giữa đêm trường lạnh buốt thấu xương da,
.....
Bước li hương ai khóc hận giữa đêm trường,
Ai vinh hiển mong Công hầu, Khanh tướng.
Chiến sĩ hề: "thề ra đi không trở lại"
Chí làm trai thề: "lấy da ngựa bọc thây"
Hãy quên đi chuyện danh lợi thế gian này
Nhìn thế sự như làn mây bay gió thoảng.
Trong buổi lễ tưởng niệm, nhiều chiến sĩ và các bà quả phụ được vinh danh, tặng huy chương vả bằng tưởng lục như Đại Úy Dương ngọc Như thuộc phi đoàn 219 không yểm, cố Đại Úy Vũ đức Khánh, Thiếu Úy Hãn phi đoàn 110 Thần phong, Bà quả phụ Nông an Pang, bà quả phụ Vũ Linh, ..v.v.
Sau đó, mọi người dùng tiệc giỗ và thưởng thức văn nghệ cho đến gần 9 giờ đêm buổi lễ mới chấm dứt.
Trong số quan khách, người ta thấy có các vị:Hòa Thượng Giác Nhiên, Hòa Thượng Chơn Thành, Ông bà Frank Fry, nghệ sĩ Kiều Chinh, Nam Lộc, ông Lê quang Dật, Ông bà Kiên Nguyễn-Mai Khanh, Ông Guyer và cô Xuân Hà (đại diện DB Trần thái Văn), ..v.v.
(Nguyễn Hiền thuật)

Tuesday, December 16, 2008

Chuyến bay tử thần vào đồi 31 Hạ Lào


Kingbee Bùi Tá Khánh.

Chuyện về cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh sang Hạ Lào nhằm cắt đứt đường mòn HCM đã được nhiều người viết ra. Ðầu tiên là nhà văn Phạm Huấn với quyển "Trận Hạ Lào năm 1971", rồi nhà văn nhảy Dù Lê Ðình Châu, đại uý đại đội trưởng đại đội công vụ nằm vòng đai bảo vệ cho Lữ đoàn 3 nhảy Dù trên đồi 31 cũng ra mắt quyển "Ðôi mắt người TùBinh", và anh Nguyễn Văn Long, thiếu uý sĩ quan phụ tá ban 2 Lữ Ðoàn 3 nhảy Dù vẫn thường xuyên viết về Hạ Lào cho Ðặc San Nhảy Dù ỡ Úc Châu. Ở đây, tôi chỉ ghi lại câu chuyện như là một mẩu hồi ức dưới mắt nhìn của một người lính Không Quân.
Tôi là một hoa tiêu phục vụ trong phi đoàn 219, thuộc Không Ðoàn 51, Sư Ðoàn I KQ trú đóng tại Ðà Nẵng. Phi đoàn 219 là hậu thân của biệt đoàn 83 với nhiệm vụ tiến hành cuộc chiến tranh thầm lặng trong bóng tối nhằm gây rối, phá hoại hậu phương của địch. Vì thế tất cả phi cơ của phi đoàn 219 chỉ sơn toàn bệt màu đen và xanh lá cây xẫm bên trên phần bụng trắng và không mang phù hiệu hay cờ gì cả ngoài số serial number mà thôi. Là một phi đoàn chỉ thi hành những phi vụ đặc biệt ngoài lãnh thổ và ngoài những cuộc hành quân bình thường, nhưng trong cuộc hành quân Lam Sơn 719, nằm trong kế hoạch được mệnh danh là Việt hoá chiến tranh, một cuộc hành quân quan trọng lần đầu tiên hoàn toàn do QLVNCH đảm nhiệm với sự yểm trợ tối thiểu của không lực Hoa Kỳ trong những ngày đầu với những loại trực thăng khổng lồ chuyên chở những xe cơ giới hạng nặng như xe ủi đất, lô cốt tiền chế, đại pháo 105 và 155 ly để QLVNCH dọn bãi thiết lập những căn cứ hoả lực đầu cầu trên đất Lào. Vì thế nên Quân Ðoàn I đã phải trưng dụng tất cả những đơn vị KQ trực thuộc Sư Ðoàn I KQ trong đó có phi đoàn 219. Như vậy phi đoàn chúng tôi, ngoài những phi vụ đặc biệt thường lệ, lại phải đảm nhiệm thêm việc yểm trợ cho Sư Ðoàn Dù, một trong 3 lực lượng nòng cốt trong cuộc hành quân Lam Sơn 719. Mỗi ngày phi đoàn 219 tăng phái một phi đội gồm 2 hoặc 3 chiếc H34 nằm trực chiến tại Khe Sanh, nơi đặt bản doanh Bộ chỉ huy tiền phương Sư Ðoàn Dù. Từ đây chúng tôi xuất phát những phi vụ tiếp tế lương thực, đạn dược cho các căn cứ hoả lực 29, 30 , 31 và các đơn vị hành quân lục soát bên ngoài căn cứ. Những phi vụ này thường là rất "hot", nhưng "hot" nhất vẫn là những phi vụ tải thương cho binh sĩ nhảy Dù khi có đụng độ với quân cộng sản Bắc Việt. Và chuyện này xảy ra như cơm bữa hàng ngày nên chúng tôi coi như pha. Chúng tôi cứ luân phiên nhau mỗi phi đội trực chiến cho Sư Ðoàn Dù 4 ngày rồi trở về Ðà Nẵng tiếp tục những phi vụ thường nhật.
Hôm nay đến phiên trực của chúng tôi. Phi đội gồm có 2 phi cơ do anh Chung tử Bửu lead, tôi copilot và Nguyễn văn Em là mêvô, chiếc thứ hai tôi chỉ nhớ hoa tiêu chánh là anh Yên. Chúng tôi vào phi đoàn nhận lệnh vào lúc 8 giờ sáng rồi chia tay nhau về nhà sửa soạn hành trang, hẹn gặp nhau lúc 10 giờ ngoài phi đạo 219.
Ðúng giờ hẹn, chúng tôi ra phi cơ làm tiền phi, check nhớt, xăng, load những cơ phận sửa chữa dự trữ, đồ nghề và anh em kỹ thuật 219 rồi cất cánh, trực chỉ Ðông Hà, Quảng Trị. Khoảng quá trưa thì chúng tôi ra đến Khe Sanh. Vừa đến nơi, không màng ăn trưa vì nóng lòng muốn cứu đồng đội nên chúng tôi quyết định phải vào ngay đồi 31 chứ không thể đợi lâu hơn được. Trong khi anh Bửu vào trình diện với Bộ Chỉ Huy Tiền Phương SÐ Dù để đặt kế hoạch cho chuyến bay thì tôi và mêvô Em đi check lại máy bay. Xăng vẫn còn đầy bình trước, dư sức bay không cần phải refuel.
Một lát sau từ phòng briefing ra, anh Bửu vắn tắt cho anh em biết về phi vụ quyết tử này. Chuyến vào chúng ta sẽ chở theo một tiểu đội tác chến điện tử Dù cùng với 18 chiếc máy "sensor" vào tăng phái cho căn cứ 31 dùng để phát giác đặc công địch, chuyến ra sẽ rước phi hành đoàn anh Nguyễn thanh Giang về. 15 phút trước khi lên vùng, pháo binh Dù sẽ bắn dọn đường mở một hành lang dọc theo quốc lộ 9, dập vào những địa điểm được ghi nhận có phòng không địch vì tình hình lúc này rất gây cấn, địch tập trung lên đến cấp tiểu đoàn phòng không gồm đủ loại từ 37 mm, 12ly7 và lần đầu tiên còn nghe có cả SA7 nữa. Về không trợ thì có 2 chiếc Gunship của phi đoàn 233 do trung uý Thục bay trước mở đường.
Trước đó trong lúc briefing, anh Bửu đã được nói chuyện trực tiếp với anh Giang từ trong đồi 31 và được biết, ngày hôm qua khi bay vào vùng anh Giang đã dùng chiến thuật "lá vàng rơi", từ trên cao cúp máy auto xoáy trôn ốc xuống, nhưng vì phòng không địch quá dày đặc nên khi gần đến đất, phi cơ anh bị trúng đạn rớt xuống gãy đuôi nằm bên cạnh vòng rào phòng thủ ngoài cùng của Lữ Ðoàn 3 Dù. Phi hành đoàn vô sự, chỉ có copilot là Võ văn On bị xây xát nhẹ ở cổ, tất cả chạy thoát được vào trong căn cứ Dù. Nhưng trước khi bỏ phi cơ, mêvô Trần hùng Sơn không quên vác theo cả cây M60 trên cửa máy bay nữa. Rút kinh nghiệm, hôm nay anh Bửu bay Rase Motte sát ngọn cây theo hướng Ðông-Tây đi vào. Trên đường bay dọc theo quốc lộ số 9 tôi còn nhìn thấy những cột khói bốc lên nghi ngút, chứng tỏ pháo binh Dù bắn rất chính xác và hiệu qủa. Gần đến LZ anh Bửu đổi hướng lấy cấp Ðông Nam-Tây Bắc để đáp xuống. Vừa ló ra khỏi rặng cây, tôi đã thấy chiếc Gunship của trung uý Thục bay vòng lại, cùng với tiếng anh la lên trong máy "Bửu coi chừng phòng không ở hướng Tây". Từ trên phi cơ nhìn xuống, giữa màu xanh trùng điệp của rừng cây nhiệt đới, ngọn đồi 31 đỏ quạch nổi bật với những đốm bụi đất tung lên từng cơn vì đạn pháo kích quấy phá của cộng quân bắc Việt. Không nao núng, anh Bửu vẫn điềm tĩnh tiếp tục đáp xuống. Khi phi cơ còn cách mặt đất độ 15 thước thì trúng một tràng đạn phòng không, phi cơ phát hoả, bùng lên một đám khói bao trùm cả phi cơ, mêvô Em la lên khẩn cấp trong máy "đáp xuống, đáp xuống anh Bửu ơi, máy bay cháy". Cùng lúc anh Bửu cũng cao tiếng báo động cho chiếc wing "Yên ơi, tao bị trúng đạn rồi, đừng xuống nữa" trong khi vẫn bình tĩnh đáp xuống. May mắn là đạn trúng vào bình xăng phụ đã hết xăng, chỉ còn ít hơi đốt, nên phi cơ không bắt cháy như phi cơ đại uý An ở Bù Ðốp hôm nào. Vừa chạm đất, theo phản xạ tôi cùng anh Bửu nhanh tay tắt gió, xăng, điện rồi nhảy ra khỏi phi cơ. Mọi người chạy ngược lên đồi về phía hàng rào phòng thủ thứ nhất của đại đội công vụ Dù cách khoảng 100 thước. Tôi còn tiếc chiếc xách tay quần áo nên phóng vào trong phi cơ để lấy. Một cảnh thương tâm hiện ra trước mắt, một binh sĩ Dù bị trúng đạn ngay giữa trán, nằm ngửa chết ngay trên ghế. Trên sàn tàu, đống máy "sensor" vẫn còn nguyên vẹn. Tôi chỉ kịp vớ lấy cái xách tay rồi phóng chạy lên đồi theo những tiếng kêu gọi của binh sĩ Dù "trên đây nè thiếu uý, tụi tôi bắn yểm trợ cho". Tôi lom khom chạy trong khi tiếng đạn nổ lóc chóc trên đầu. Lên đến nơi tôi thở như bò rống. Không quân mà hành quân dưới đất thì phải biết là mệt đến đâu. Tôi nhớ mãi hôm đó là ngày 22 tháng 2 năm 1971.
Vừa ngồi nghỉ mệt, tôi vừa nhìn xuống bãi tải thương nơi chiếc phi cơ đang đậu hiền lành, thì cũng vừa lúc địch điều chỉnh tác xạ, một quả đạn đạn súng cối rơi trúng ngay tàu nổ tung, bốc cháy khói đen mù mịt cả một góc trời. Tôi nhìn con tàu xụm xuống, lòng quặn lên. Con tàu thân thương đó đã gần gụi với mình lâu nay, giờ thành một đống sắt vụn.
Một lát sau, theo chỉ dẫn của anh em binh sĩ Dù, chúng tôi men theo giao thông hào lần về đến ban chỉ huy Lữ Ðoàn 3 Dù. Gặp lại phi hành đoàn anh Giang, On, Sơn anh em chúng tôi mừng rỡ thăm hỏi rối rít. Chúng tôi được giới thiệu với các sĩ quan trong ban tham mưu Lữ Ðoàn 3. Ðầu tiên là đại tá Thọ lữ đoàn trưởng Lữ Ðoàn 3, thiếu tá Ðức trưởng ban 3, dại uý Trụ phụ tá ban 3, đại uý Nghĩa sĩ quan liên lạc KQ, trung uý Chính sĩ quan Không trợ Dù, thiếu uý Long phụ tá ban 2. Về phía pháo binh thì có trung tá Châu tiểu đoàn trưởng và đại uý Thương trưởng ban 3 thuộc tiểu đoàn 3 pháo binh Dù. Ðại tá Thọ mừng anh em "mới đến" mỗi người một điếu Havatampa và một ly Hennessy để lấy lại tinh thần. Tôi ngạc nhiên vô cùng, đi đánh giặc, nằm ở tuyến đầu ác liệt vậy mà mấy "ông" nhảy Dù vẫn thản nhiên hút sì-gà Cuba và uống rượu Mỹ như máy! Quả các anh ăn chơi cũng dữ mà đánh giặc cũng chì thật.
Buổi chiều vùng rừng núi trời tối thật nhanh, chúng tôi dùng tạm bữa cơm dã chiến với ban tham mưu Lữ Ðoàn rồi chia nhau ngủ ké với anh em Dù. Tôi được ngủ chung một hầm với anh Nguyễn quốc Trụ, một sĩ quan trẻ xuất thân khóa 20 trường Võ Bị Ðà Lạt. Anh cũng là anh ruột của trung uý Nguyễn hải Hoàn, một hoa tiêu chánh trong phi đoàn tôi. Tin tức chiến sự mỗi ngày một căng thẳng hơn vì đối với cộng sản bắc Việt, sự hiện diện của căn cứ 31 trên hệ thống đường mòn HCM như một lưỡi dao đâm thẳng vào yết hầu của chúng. Vì thế cộng quân đưa thêm quân vào tạo áp lực nặng nề lên căn cứ 31 với ý định đánh bật căn cứ này ra khỏi sinh lộ của chúng.
Hai hôm sau, vẫn không có chuyến bay tiếp tế nào vào được vì địch quân luôn di động dàn phòng không của chúng khiến KQVN và HK không phát huy được ưu thế của mình. Mỗi sáng, chỉ có 2 phi tuần F4 đến ném bom vài khu vực khả nghi chung quanh đồi 31 và thỉnh thoảng mới có một đợt B52 rải thảm ì ầm xa xa vọng đến rồi mọi sự lại chìm vào rừng núi trùng điệp. Ngược lại, quân bắc Việt tập trung bao vây, tăng cường pháo kích suốt ngày nhằm quấy rối và làm tiêu hao lực lượng Dù.
Sáng ngày 25 tháng 2 năm 1971, chúng tôi nhận được lệnh và khởi sự di chuyển ra các hầm cứu thương sát bãi đáp chờ đến trưa đích thân phi đoàn với 3 chiếc H34 sẽ vào tải thương binh Dù đồng thời bốc 2 phi hành đoàn ra. Tôi và anh Bửu cùng vài thương binh Dù nấp chung với nhau trong một hầm trú ẩn. Ðến trưa khi chúng tôi bắt đầu nghe tiếng máy nổ quen thuộc xa xa thì cũng là lúc địch khởi đầu trận "tiền pháo" dồn dập lên đồi 31. Qua lỗ châu mai từ trong hầm cứu thương nhìn qua bên kia đồi đối diện, cách nhau một cái yên ngựa, tôi thây rõ hai chiếc xe tăng T-54 của cộng quân tiến lên xếp hàng ngang, cùng với quân tùng thiết dày đặc chung quanh nhắm đỉnh đồi chúng tôi mà nhả đạn. Những tia lửa từ nòng súng phụt ra, tôi và anh Bửu thụp đầu xuống cùng nhìn nhau như nhắc nhớ câu mà anh em trong phi đoàn thường nói với nhau mỗi khi lên đường hành quân "Trời kêu ai nấy dạ!".
Ngòai kia, trong từng giao thông hào binh sĩ Dù chống trả mãnh liệt, nhất là những pháo thủ pháo đội C trên căn cứ 31, với những khẩu pháo đã bị hỏng bộ máy nhắm vì pháo kích của địch, họ phải hạ nòng đại bác để bắn trực xạ thẳng vào xe tăng địch bên kia đồi và trong những loạt đạn đầu tiên đã hạ ngay được 2 chiếc T54. Nhưng để trả giá cho hành động dũng cảm này nhiều binh sĩ Dù đã nằm xuống, có người nằm chết vắt trên những khẩu pháo của họ, trong số này có cả pháo đội trưởng Nguyễn văn Ðương, người đã là niềm hứng khởi cho một nhạc phẩm nổi tiếng sau đó. Chúng tôi vui sướng reo mừng trong hầm bên này. Không ngờ, chỉ mỗt lúc sau 2 xe tăng khác ở phía sau tiến tới ủi những chiếc xe cháy xuống triền đồi rồi lại hướng súng đại bác về đồi chúng tôi mà bắn! Sau vài loạt đạn, một phi tuần 2 chiếc F4 xuất hiện nhào xuống oanh tạc vào đội hình địch, và lại phá hủy thêm 2 xe tăng nữa. Trong tiếng bom đạn tơi bời, tôi vẫn nghe văng vẳng tiếng máy nổ của những chiếc H34 đang vần vũ trên cao như lo lắng cho số phận những đồng đội của mình. Cho đến khoảng 5 giờ chiều thì địch tràn lên chiếm được đồi. Chúng lùng xục từng hầm trú ẩn kêu gọi binh sĩ Dù ra đầu hàng. Biết không thể làm gì hơn, tôi và anh Bửu tháo bỏ súng đạn cá nhân, chui ra khỏi hầm.
Về phía KQ, tôi, anh Bửu, On và Sơn bị trói bằng dây điện thoại và bị dẫn giải ra bắc Việt chung với tất cả tù binh khác. Không thấy anh Giang và Em đâu. Chúng tôi bắt đầu thăm hỏi các SQ và binh sĩ Dù trên đường đi. Cuối cùng tôi gặp được anh Long là người ở chung trong hầm với anh Giang khi cộng quân kêu các ra đầu hàng. Ðến lần thứ 3 các anh vẫn không chịu ra nên chúng thảy lựu đạn chày và bắn xối xả vào hầm. Anh Long chỉ bị thương nhẹ nên chúng bắt theo còn anh Giang vì bị thương nặng gãy cả 2 chân không đi được nên bị chúng bỏ lại và chết ở trong hầm. Về phần mêvô Em thì bị lạc đạn trúng bụng đổ ruột ra ngoài, khi bị bắt dẫn đi Em cứ 2 tay ôm bụng giữ lấy ruột mà không hề được băng bó vết thương nên đi được một khoảng không chịu được đau đớn Em gục chết ở bên đường.

Thế là 219 ghi thêm vào quân sử của mình một thiệt hại 2 phi hành đoàn trên chiến trường Hạ Lào. Trong đó anh Giang và Em đã vĩnh viễn ở lại trên đồi. Ngọn đồi quyết tử 31. Những người còn lại của 2 phi hành đoàn đó là Bửu, On, Khánh và Sơn thì sa vào tay địch, bị đưa đến những bến bờ vô định, biết còn có ngày về hay không?

Viết để nhớ đến tất cả những chiến sĩ anh hùng đã thành danh hay vô danh, vẫn còn sống hay đã hy sinh cho quê hương đất nước. Sau 31 năm it ra tên tuổi các anh vẫn còn được nhắc đến một lần.
Tháng 11 năm 2002
Bùi Tá Khánh

Tuesday, July 22, 2008

Nha KỸ- THUẬT


Nha KỸ- THUẬT

o Bộ Tổng Tham Mưu

o QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA

Trung Tá Lữ Triệu Khanh

Mục đính của người viết bài này không ngoài hoài bão cung cấp cho các cựu quân nhân và cựu nhân viên dân chính đã từng phục vụ trong các đơn vị trực thuộc Nha Kỹ Thuật / BTTM / QLVNCH hiện định cư tại Hoa Kỳ cũng như tại các quốc gia khác trên Thế giới Tự Do, một sự hiểu biết tổng quát về sự tổ chức cũng như những hoạt động đặc biệt của đơn vị này.

Vì tính cách đặc biệt về tổ chức và nhiệm vụ của Kỹ Thuật / BTTM, ngay chính những quân nhân phục vụ tại một đơn vị của Nha Kỹ Thuật / BTTM cũng không hiểu rõ về đơn vị này. Do đó, nếu có sự hiểu lầm hay một sự hiểu biết thiếu chính xác của một số đơn vị bạn cũng không phải là một điều ngạc nhiên.

Danh hiệu Nha Kỹ Thuật / BTTM chỉ là một danh hiệu " vỏ bọc " để bảo vệ những hoạt động thực sự đối với Cộng Sản cũng như đối với các đơn vị bạn khác. Nha Kỹ Thuật / BTTM chính thức là Bộ Tư Lệnh Chiến Tranh Ngoại Lệ, ngang hàng với cấp Sư đoàn Tổng Trừ bị do một cấp Thiếu Tướng làm Tư lệnh.

Nha Kỹ thuật / BTTM trải qua rất nhiều lần cải danh và thay đổi về tổ chức và nhiệm vụ, tùy theo sự biến chuyển về tình hình chính trị quốc nội cũng như tình hình quân sự trên chiến trường.

Trước khi đi sâu vào vấn đề này, kẻ viết bài này xin mạn phép trình bày sơ lược về cá nhân và sự liên hệ đối với Nha Kỹ Thuật / BTTM kể từ năm 1961 cho đến ngày chính Thức giải tán đơn vị này vào ngày 28 tháng 4 năm 1975 do khẩu lệnh của Đại tướng Tổng Tham Mưu Trưởng / QLVNCH, trước khi Đại tướng từ chức vụ Tham Mưu trưởng.

Vào cuối năm 1960, trong khi phục vụ tại một đơn vị thuộc Sư đoàn 1 Bộ Binh đồn trú tại Quảng Trị, tôi đã được lệnh cấp tốc trình diện Phủ Tổng Thống. Thật là một ngạc nhiên to lớn đối với một cấp úy nhỏ như tôi. Sau khi được đơn vị trưởng cấp sự vụi lệnh, tôi được một vị đại diện Phủ Tổng Thống từ Huế ra đón và đưa thẳng về Đà nẵng. Tại đây, tôi lại được một đơn vị khác tiếp xúc, bắt tôi thay thường phục và đưa ra phi trường đáp phi cơ Air Việt Nam về Saigon. Tại Phi trường Tân sơn nhất, tôi lại được một đơn vị khác đón và đưa về một căn nhà tại khu Tân Định, nằm trong một ngõ hẹp. Dù tôi có ý gợi chuyện trong lúc đi đường, các vị này đều có vẻ huyền bí và rất ít nói chuyện. Tại căn nhà này, tôi lại càng ngạc nhiên hơn vì lần đầu tiên tôi được gặp và giới thiệu với một số nhân viên Hoa Kỳ. Tôi không biết các vị này cả Việt lẫn Mỹ, thuộc đơn vị hay cơ quan nào. Tôi cũng chưa biết vị chỉ huy tôi là ai, quân nhân hay dân sự. Một nhân viên Hoa kỳ có vẻ ngạc nhiên về khả năng Anh văn của tôi. Tôi cho ông ta biết là tôi đã tốt nghiệp khóa 6 tháng thông dịch viên Anh ngữ tại Hội Việt Mỹ vào đầu năm 1958.

Tôi muồn nhắc đền sự việc này vì nhờ sự hiểu biết về anh văn mà tôi được giữ những chức vụ có liên quan đến việc tiếp xúc với cơ quan Tình báo Hoa Kỳ sau này. Vì nhân viên Hoa Kỳ này cho tôi biết là ngày hôm sau tôi sẽ được tham dự khóa " Tình báo đặc biệt " do các nhân viên tình báo Hoa kỳ đảm trách hướng dẫn. Người Mỹ gọi là khóa " Clandestine Operation " được huấn luyện cho các nhân viên điệp báo hoạt động tại hậu tuyến địch. Nói tóm lại đây là khóa huấn luyện gián điệp. Tôi có hỏi sau khóa này tôi sẽ làm gì nhưng không ai xác định gì cả. Họ chỉ cho biết là sau khóa huấn luyện tôi sẽ trở thành một " Case Officer " hay là "Trưởng công tác". Tên tôi được biến thành Emile, cũng như các học viên khác Leon, Antoinne, Charles .v.v. . . Thật ra các tên tây phương này được đặt ra để giúp cho người Mỹ dễ nhớ trong khi huấn luyện cũng như khi hợp tác làm việc sau này. Ngoài các tên này, chúng tôi được gọi bằng những ngụy danh khác với mục đích bảo vệ lý lịch, đề phòng đối phương theo dõi trong thởi gian liên hệ với công tác tình báo. Đây chỉ là một trong những nguyên tắc căn bản của ngành điệp báo.

Sau khóa học kéo dài 4 tuần lễ, tôi được các vị huấn luyện viên Hoa Kỳ khen thưởng về sự cố gắng và thông suốt các nguyên tắc của ngành tình báo. Sau đó, tôi được trình diện đầu tiên với vị chĩ huy trực tiếp của tôi là vị Trưởng phòng 45 của Sở Khai thác Địa Hình trực thuộc Phủ Tổng Thống.

Tôi rất mừng rỡ vỉ vị chỉ huy trực tiếp của tôi là Đại Úy BÌNH tức là Đại Úy Ngô thế Linh mà tôi đã làm dưới quyền tại Phòng III / Quân đoàn I tại Đà Nẵng vào đầu năm 1958.

Sự nghiệp quân sự của tôi, giai đoạn có ý nghĩa nhất là bắt đầu khóa học tình báo đặc biệt này cho đến ngày cuối cùng của QLVNCH vào cuối tháng 4 năm 1975. Với hơn 14 năm được phục vụ tại một đơn vị đặc biệt, giữ những chức vụ tuy nhỏ nhoi nhưng được gần gũi với các cấp chỉ huy cao cấp và được sự tin tưởng của các vị này, cũng như các vị cố vấn Hoa Kỳ cao cấp, tôi đã theo dõi và chứng kiến các hoạt động của Nha Kỹ Thuật / BTTM, sự cải danh của nó, từ vị trí của một Phòng sở nhỏ trở thành một đại đơn vị có tầm mức chiến lược quan trọng.

Sự bành trường và lớn mạnh của Nha Kỹ Thuật / BTTM đều tùy thuộc và ảnh hưởng bởi các biến chuyển của tình hình chiến sự quốc nội, tình hình chính trị trên thế giới, đường lối chỉ đạo của Hoa Kỳ đối với chiến cuộc tại Việt Nam và cuối cùng là khả năng hoạt động của các đơn vị thuộc Nha Kỹ Thuật / BTTM.

Những tài liệu trình bày sau đây đều dựa theo trí nhớ của tôi. Do đó, về thời gian và không gian có thể có một vài sự sai lầm nhỏ hoặc một chút thiếu sót. Tôi nghĩ rằng dù nếu có một vài sự thiếu sót, ý nghĩa và mục đích của bài này sẽ không sai lạc và các điểm chính yếu tôi muốn nêu ra vẫn được bảo đảm.

Sở Khai thác Địa hình trực thuộc Phủ Tổng Thống, lúc bấy giờ do Cố Đại Tá Lê Quang Tung là Chỉ huy trưởng. Đơn vị này được giao phó rất nhiều công tác tình báo quan trọng, về quốc nội cũng như quốc ngoại, hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu và Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Trong các cơ cấu tình báo, Phòng 45 hay Phòng E được đặc trách hoạt động thu thập tin tức tình báo tại miền Bắc vĩ tuyến 17, với các hệ thống điệp báo nằm vùng xâm nhập từ Miền NAM hoặc từ Đệ Tam Quốc gia bạn. Tại nội bộ đơn vị, Sở Khai thác Địa Hình cũng được gọi là KHIÊM QUANG, mỗi chữ biểu hiệu cho một Phòng của đơn vị. Phòng E sau này còn được gọi là SB, viết tắt cho Sở Bắc. Kể từ năm 1960 trở đi, hoạt động điệp báo tại miền Bắc được đặc biệt chú trọng vì nhu cầu tin tức chiến lược nhằm ước tính khả năng của Cộng Sản, hầu ngăn chặn mưu đồ xâm lược của miền Bắc.

Để yểm trợ tài chính và kỹ thuật cho các công tác đặc biệt này, cơ quan Combined Studies thuộc Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Saigon được giao phó phối hợp và đảm trách. Công tác tình báo và các hoạt động đặc biệt nhằm đối tượng Cộng Sản đều do cơ quan Tình Báo Trung Ương Hoa Kỳ cố vấn và tài trợ vì vấn đề kỹ thuật phức tạp và phí tổn to lớn. Cơ quan Combined Studies cung cấp chuyên viên, tin tức tình báo căn bản, các tài liệu và vật dụng cần thiết, cũng như nhu cầu tài chính để hoàn thành công tác.

Vì bài này chỉ giới hạn về tổ chức và nhiệm vụ tổng quát của Nha Kỹ Thuật / BTTM và các tổ chức tiền thân, nên tôi sẽ không đề cập đến chi tiết các hoạt động, cách tổ chức các Toán công tác cũng như thành quả của các Toán này. Tôi mong rằng sẽ có cơ hội trình bày trong những bài kế tiếp.

Vào đầu năm 1963, Sở Khai thác Địa Hình được biến cải thành Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt, với hai đơn vị chiến đấu nòng cốt là Liên đoàn 77 và Liên đoàn 31. Đại Tá Lê Quang Tung cũng là vị Tư lệnh đầu tiên của đơn vị này. Sở Bắc vẫn tiếp tục hoạt động và duy trì sự phối hợp với cơ quan Combined Studies của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ, trong khuôn khổ tổ chức của Bộ Tư Lệnh LLDB mới thành lập. Sau cuộc chính biến và Cách mạng 1963 và Đại tá Lê quang Tung bị sát hại. Và LLĐB được chỉ huy bởi một số các vị Tướng lãnh và sau đó dời về Nha Trang. Cũng trong thời gian này, Sở Bắc cũng được cải danh là Sở Khai Thác / BTTM và tiếp tục duy trì công tác đặc biệt, tách rời khỏi Lực Lượng Đặc Biệt. Vị Chĩ huy trưởng và Giám đốc đầu tiên của đơn vị này là Đại Tá Trần văn Hổ. Ngoài việc đảm trách công tác văn phòng, liên lạc phối hợp với ban Cố Vấn Hoa Kỳ, tôi vẫn tiếp tục tổ chức các Toán với tư cách Sĩ quan Trưởng Công tác. Một thời gian sau, Đại Tá Hổ chỉ định tôi làm Chánh Văn phòng. Song song với sự cải tổ về phía Việt Nam, Bộ Tư lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam MACV thay thế cho cơ quan Cố vấn Hoa Kỳ MAAG, cũng được thành lập. MACV - SOG là viết tắt của MACV - Studies and Observations Group, nhưng chính danh là Special Operation Group, được chỉ định Cố vấn và yểm trợ cho các công tác đặc biệt.

Ngoài các Toán Tình báo dài hạn xâm nhập Miền Bắc bằng Không vận hay Hải Vận và công tác Biệt Hải tập kích đánh phá các mục tiêu thuộc miền Bắc duyên hải. Sở Khai thác lại được lệnh tổ chức các Toán thám sát ngắn hạn hoạt động tại vùng biên giới Lào Việt nằm phía Bắc vĩ tuyến 17 cho đến vĩ tuyền 20. Các Toán này được gọi là các Toán Strata, viết tắt tiếng Mỹ là Short Term Reconnaisance and Target Acquisition teams. Hai đoàn công tác chính yếu của công tác Không vận lúc bấy giờ là Đoàn 68 đảm trách các công tác dài hạn vá các công tác đặc biệt khác Đoàn 11 phụ trách các công tác ngắn hạn.

Cũng trong thời gian này, vì nhu cầu khẩn cấp của chiến trường, Sở Khai Thác được chỉ thị huấn luyện các Toán Thám Sát đặc biệt mệnh danh là Shinning Brass tại căn cứ huấn luyện Long Thành, sau này gọi là Trung tâm Huấn luyện Quyết Thắng. Sở Liên lạc / BTTM cũng được thành lập trong thời gian này để đảm trách các công tác ngoại biên Việt-Miên và Việt-Lào. Các Toán này mang danh Lôi Hổ có nhiệm vụ thám sát, phá hoại các mục tiêu trọng yếu của địch, cùng công tác chỉ điểm mục tiêu cho các phi vụ không kích hoặc đánh phá xử dụng các lực lượng khai thác (Exploitation Forces ). Vị chỉ huy trưởng đầu tiên là Đại Tá Hồ Tiêu, trước phục vụ tại Sư đoàn Nhảy Dù. Sau đó Sở Liên lạc được tiếp tục chỉ huy bởi các vị chỉ huy trưởng thuộc Sư đoàn Nhảy Dù. Các cuộc hành quân thám sát biên giới phát triển mạnh mẽ vào các năm 1966 – 1972, đặc biệt dưới sự chỉ huy của Đại Tá Liêu quang Nghĩa. Các vị chỉ trưởng sau này là Đại tá Nguyễn văn Minh và Đại Tá Nguyễn Minh Tiến.

Sở Liên lạc gồm có một Bộ Chỉ Huy đồn trú tại Saigon và 3 Chiến đoàn đồn trú tại Saigon và 3 Chiến đoàn đồn trú tại các Khu vực khác nhau, thích hợp với khu vực mục tiêu hoạt động:

o Chiến đoàn I đồn trú tại Đà Nẵng

o Chiến đoàn II đồn trú tại Kontum

o Chiến đoàn II đồn trú tại Ban mê Thuột.

Song song với các chiến đoàn này, MACSOG cũng có những cơ sở hành quân riêng rẽ đồn trú chung cùng doanh trại với các chiến đoàn. Kế hoạch hành quân được phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ chỉ huy Hoa Kỳ và Việt Nam liên hệ. Mỗi Chiến đoàn có nhiều Liên toán và mỗi Liên toán gồm có nhiều Toán. Các Toán này được tổ chức huấn luyện và hành quân theo Kỹ thuật của Lực Lượng Đặc biệt. Sự khác biệt là các Toán của Sở Liên lạc có nhiệm vụ hoạt động ngoài biên giới lãnh thổ và ngay trong lòng địch.

Khoảng năn 1965-1966, Sở Khai Thác / BTTM lại được đổi danh là Sở Kỹ thuật và sau đó không bao lâu, Sở này được nâng lên Nha Kỹ Thuật / BTTM, chỉ huy bởi một vị Giám đốc, cho phù hợp với tổ chức mới. Lúc bấy giờ Nha Kỹ thuật gồm có các đơn vị hoạt động trọng yếu như sau :

o Sở Liên Lạc

o Đoàn 11 và Đoàn 68 ( Sở Công tác được thành lập sau này )

o Sở Không Yểm

o Sở Phòng Vệ Duyên Hải

o Trung Tâm Huấn luyện Quyết Thắng

o Sở Tâm Lý Chiến ( tuy là một Sở của Bộ Chỉ huy nhưng Sở này có tầm hoạt động rộng lớn và quan trọng ).

Sở Công tác sau này được thành lập với hai Đoàn Công tác 11 và 68. Sau khi Lực lượng Đặc biệt giải tán, Nha Kỹ thuật được tăng cường sĩ quan cán bộ cũng như nhân viên Toán hành quân. Các Đoàn kế tiếp được thành lập là Đoàn 71, 72 và Đoàn 75. Thời gian đầu tiên, Bộ Chỉ huy Sở đồn trú tại Nha Trang sau đó dời ra Đà Nẳng. Các Đoàn 11, 71 và 7 đồn trú tại Đà Nẳng

Các đoàn 11, 71 và 72 đồn trú tại Đà Nẳng, Đoàn 75 tại Ban Mê Thuột. Đoàn 68 vẫn tiếp tục duy trì tại Saigon, gần Bộ Chỉ huy Nha.

Đoàn 68 được giao phó tổ chức và hướng dẫn các Toán Tình báo dài hạn tại Miền Bắc. Các Toán được xâm nhập bằng Trực thăng vận từ lãnh thổ Đệ Tam Quốc Gia hoặc Nhảy Dù vào khu vực mục tiêu tại Miền Bắc. Một số Toán hoạt động tại vùng duyên hải Đông Bắc được đặt kế hoạch xâm nhập bằng hải vận. Nhiệm vụ chính yếu của các Toán này là thiết lập căn cứ hoạt động, quan sát và thám sát các mục tiêu, báo cáo về Trung Ương để nhận chỉ thị hoạt động. Các khu vực mục tiêu trọng yếu nằm dọc theo biên giới Hoa Việt, khu vực Đông Bắc Cao Bắc Lạng, khu vực Tây Bắc, sơn La, Lai Châu, khu vực Bắc vĩ tuyến Thanh Nghệ Tĩnh Bình. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là quan sát và báo cáo mọi chuyển quân của Bắc Việt trên các trục giao thông qua biên giới và xuống miền Nam. Các hoạt động trên bắt đầu giảm sút kể từ năm 1968.

Các Toán thám sát ngắn hạn thuộc Đoàn 11 lại được gia tăng và chú trọng hơn trong khi lực lượng chính quy Bắc Việt ồ ạt xâm nhập miền Nam qua các hành lang biên giới. Tuy vậy Đoàn 68 vẫn tiếp tục đảm trách các công tác đặc biệt khác, nhằm đánh lừa địch qua việc sử dụng các Hồi chánh viên cũng như tù binh chính quy, phối hợp với sở Tâm lý chiến.

Kể từ 1972 trở về sau, địa bàn hoạt động của các Toán thuộc Nha Kỹ Thuật / BTTM được thu hẹp lại cho thích hợp với nhu cầu chiến trường. Do đó, các Đoàn và Chiến đoàn công tác đều được tăng phái cho các Quân đoàn và thực hiện những cuộc hành quân thám sát nội biên sau hậu tuyến địch, nhằm mục đích cung cấp cho Quân đoàn những tin tức xác thực để khai thác.

Vị Chỉ huy trưởng đầu tiên của Sở Công Tác là Đại Tá Ngô thế Linh, nguyên là Phó Giám đốc Nha Kỹ Thuật / BTTM. Các vị chỉ huy kế tiếp là Đại Tá Nguyễn văn Hai và Đại Tá Ngô xuân Nghị trước phục vụ tại Sư đoàn Nhảy Dù.

Để yểm trợ cho các Toán hành quân Không vận của Sở Liên lạc và sở Công Tác. Sở Không Yểm có nhiệm vụ liên lạc với Bộ Tư lệnh Không quân, đáp ứng nhu cầu hành quân của Nha Kỹ thuật. Các nhu cầu này gồm phương tiện trực thăng xâm nhập và triệt xuất, các phi vụ thả toán xử dụng phi cơ từ C.47 đến C.123 và C. 130 do phi hành đoàn KQVN thực hiện. Các phi vụ quan sát bằn L.19 hay L.20, các phi vụ bảo trợ thả toán Skyraiders hay F.5. Các đơn vị Không quân này không trực thuộc Nha Kỹ Thuật nhưng các phi vụ đặc biệt này đều được ưu tiên thực hiện theo nhu cầu. Đặc biệt phi đoàn trực thăng 219 được thường xuyên tăng phái cho Nha Kỹ Thuật / BTTM. Đơn vị này đồn trú tại Nha Trang, Những phi vụ tối ư đặc biệt và ngoài khả năng của KQVN đều do Không quân Hoa kỳ đảm trách, xuất phát từ các căn cứ trên lãnh thổ Đệ Tam Quốc Gia.

Trước năm 1964, một số phi vụ thả toán vào lãnh thổ Bắc Việt được thực hiện với các phi hành đoàn ngoại quốc do cơ quan tình báo Hoa Kỳ đảm trách và hoạch định qua hãng Air America tại Saigon. Sĩ quan liên lạc Không quân và cũng là Chỉ huy trưởng Sở Không Yểm từ năm 1961 cho đến tháng Tư năm 1975 là Đại Tá Dư Quốc Lương.

Nói về các hoạt động đặc biệt của Nha Kỹ Thuật mà không đề cập đến các công tác hải vận của đơn vị này là một thiếu sót đáng kể. Công tác Hải vận và Biệt Hải của Nha Kỹ Thuật / BTTM được giao phó cho Sở Phòng Vệ Duyên Hải. Tiền thân của Sở này là căn cứ " Pacific ", trong hệ thống tổ chức của Phòng 45 thuộc Sở Khai thác Địa Hình. Sở Phòng vệ Duyên Hải được chính thức hoạt động Khoảng cuối năm 1964 và đầu 1965. Trước đó phương tiện xâm nhập các nhân viên điệp báo và các Toán tại các vùng Duyên hải Bắc Việt đều xử dụng các thuyền máy đánh cá, sửa chữa lại theo kiểu thuyền miền Bắc. Các thuyền này được đưa về Đà Nẳng để huấn luyện và thực tập về công tác xâm nhập cùng với nhân viên hay Toán hoạt động.

Sau này vì khả năng có giới hạn của các thuyền này và vì nhu cầu tốc độ và khả năng chiến đấu để bảo vệ, cơ quan Tình báo Hoa kỳ đã cung cấp cho Nha Kỹ thuật / BTTM các loại Chiến đỉnh SWIFT và NASTY, do một số thủy thủ đoàn ngoại quốc chỉ huy. Các Chiến đỉnh này có tốc dộ nhanh và được võ trang để tự vệ nếu bị Hải quân Cộng sản tấn công. Tuy vậy, các tàu này chỉ có tầm hoạt động ngắn, không qua vĩ tuyến 20. Sau này, sau khi Mac-Sog đảm trách yểm trợ NKT / BTTM, Sở Phòng vệ Duyên Hải được tăng cường các chiến đỉnh lớn PFT ( Patrol - Torpedo - Fast ) có tầm hoạt động xa, tốc độ nhanh và trang bị hỏa lực mạnh.

Các loại tàu này không những có khả năng tự vệ mà còn có khả năng đánh phá và tấn công các mục tiêu Cộng Sản nếu cần. Bộ Tư lệnh Hải Quân cũng được chỉ thị cung cấp các thủy thủ đoàn cho các chiến đỉnh này. Các hoạt động đặc biệt do Sở Phòng Vệ Duyên Hải thực hiện đều nằm trong sự kiểm soát và trách nhiệm của Nha KT / BTTM, không có liên hệ nào đối với Bộ Tư Lệnh Hải Quân và hoàn toàn được bảo mật tối đa. Các Thủy thủ đoàn này đều nằm trong Lực lượng Hải tuần trực thuộc Sở Phòng Vệ Duyên Hải. Sở này được một vị cấp Tá do BTL / HQ biệt phái chỉ huy. Vị chỉ huy trưởng đầu tiên là Trung Tá Hồ văn Kỳ Thoại, sau này được thăng cấp Đề Đốc. Các Toán người Nhái và hoạt động được gọi là Biệt Hải và thuộc Lực lượng Biệt Hải của Sở này. Cá Toán này được huấn luyện và thi hành những công tác đặc biệt tương đương với các Toán SEAL ( Sea Air Land ) thuộc Lực lượng Hoa Kỳ. Toán viên Biệt Hải được huấn luyện về bơi lội, xử dụng Scuba, Nhảy Dù ngoài những kỹ thuật hành quân đặc biệt khác.

Toán có khả năng xâm nhập nhảy dù xuống các vùng mục tiêu dọc theo miền duyên hải, xử dụng bãi nhảy sát bờ biển hay cả trên mặt nước. Sau khi hoàn thành công tác, Toán có thể triệt xuất bằng cách bơi ra khỏi để được tàu tiếp đón và đưa về căn cứ ở Miền Nam. Các công tác này rất nguy hiểm nên phải được thiết kế một cách chi tiết và thận trọng.

Sau hiệp định Paris, hoạt động của Sở này bị giảm thiểu đáng kể và sau đó được tăng phái hành quân cho các Quân đoàn để thi hành một vài công tác đặc biệt tại các vùng do Cộng Sản kiểm soát tại miền NAM.

Một bộ phận hoạt động quan trọng khác trong hệ thống trách nhiệm của NKT / BTTM là Sở Tâm Lý Chiến. Tuy rằng trong thành phần tổ chức của Bộ Chỉ Huy Nha, Sở Tâm Lý Chiến là một đơn vị hoạt động không phải thuần túy tham mưu. Sở này sử dụng đa sồ chuyên viên dân sự để điều khiển các hệ thống phát thanh và các công tác chiến tranh chính trị khác nhằm yểm trợ cho cho hoặt động đặc biệt tại miền BẮC. Sở có trách nhiệm điều khiển hai hệ thống phát thanh. Đài Tiếng nói Tự Do là một hệ thống phát thanh " Xám ", tiếng nói của những người mến chuộng Tự Do chống đối hệ thống tư tưởng Cộng Sản. Một hệ thống phát thanh bí mật khác là Đài " Gươm thiêng ái quốc ", tiếng nói của Mặt trận Giải phóng Miền Bắc, nhằm hỗ trợ cho các công tác của các Toán đặc biệt nằm trong lãnh thổ Miền bắc. Ngoài công tác phát thanh, Sở TLC / NKT đã thực hiện nhiều công tác ly gián, lừa địch, sử dụng các Hồi chánh viên và Tù binh chính qui Bắc Việt.

Hai Đài phát tuyến Cồn Tre tại Quảng Trị và Thanh Lam tại Huế có tầm hoạt động rộng lớn bao gồm cả lãnh thổ Bắc Việt cho đến biên giới Hoa Việt. Phần lớn các hoạt động Tâm lý chiến và phát thanh đều được cơ quan Tình Báo Hoa Kỳ tài trợ và cố vấn về kỹ thuật. Sau này, Đài Gươm Thiêng Ái Quốc chấm dứt hoạt động vì tình hình chiến sự và chính trị thay đổi. Đài " Mẹ Việt Nam " được nối tiếp để duy trì công tác phát thanh của Nha Kỹ Thuật.

Đại Tá Trần văn Hổ nhậm chức Giám đốc Nha Kỹ Thuật / BTTM kể từ năm 1964 cho đến tháng 8 năm 1968. Chính trong thời kỳ này rất nhiều kế hoạch và hoạt động đặc biệt nhằm vào lãnh thổ miền Bắc được thực hiện. Sau vụ tấn công của Cộng Sản vào Tết Mậu Thân và các cuộc hòa đàm giữa Hoa Kỳ và Bắc việt tại Paris, hoạt động đặc biệt lần lần bị giảm thiểu, nhất là những công tác ngay trong lãnh thổ Bắc Việt. Các công tác này được tập trung và gia tăng tại các vùng giáp tuyến và các vùng biên giới Lào Việt, Miên Việt. Đại Tá Đoàn văn Nu được Đại tướng Tổng Tham mưu Trưởng bổ nhiệm làm Giám đốc thay thế Đại Tá Trần văn Hổ vào khoảng tháng 8 năm 1968 và tiếp tục chỉ huy Nha Kỹ Thuật cho tới ngày cuối cùng của Nha.

Trong thời kỳ này, tình hình chiến sự và chính trị thay đổi, đặc biệt nhất là đường lối của Hoa kỳ đối với chiến trường Việt Nam không còn quyết tâm như trước, do đó các công tác đặc biệt không còn được hỗ trợ mạnh mẽ như trước năm 1968. Tuy vậy, Nha Kỹ thuật / BTTM vẫn tiếp tục thực hiện nhiều thành tích đáng kể. Các Toán hoạt động tuy không phải xâm nhập vào lãnh thổ Bắc Việt hoặc sâu vào biên giới Lào Miên, được trực thăng vận ngay vào các khu vực địch kiểm soát. Các cuộc hành quân này cũng không kém phần quan trọng và còn nguy hiểm hơn nhiều. Các Toán này đã gây trở ngại và làm chậm mức xâm nhập của Cộng Sản trong mưu đồ xâm lược miền NAM Việt Nam.

Các Toán hành quân của Nha Kỹ thuật, dù thuộc một đơn vị nào cũng luôn luôn chứng tỏ tinh thần dũng cảm, đầy nhiệt huyết, xem sự chết nhẹ tựa lông hồng, chiến đấu oai hùng trong mọi nguy hiểm và hoàn cảnh khó khăn. Cuộc chiến đấu chống Cộng tuy đã chấm dứt vào cuối tháng 4 năm 1975, nhưng tinh thần của cuộc chiến và những giờ phút oai hùng đó không dễ gì phai mờ trong tâm trí cũa những Cựu Chiến Sĩ Nha Kỹ Thuật này.

Viết tại Winston-Salem, North Carolina

Tuesday, November 6, 2007

Bai Tho Trung Ta Oanh Doan CT 68

Tôi trở lại viếng thăm người Lính cũ

Từng một thời chia xẻ nổi buồn đau

Cuộc chiến tranh uất hận đến ngàn thâu

Deo dang mai bao năm còn hờn tủi

Lôi Hổ chết, ai người xây nắm mộ

Lá cây rừng phũ lên xác thân anh

Sông gian nguy đói khỗ giữa rừng xanh

Ôi nghiệt ngả bao linh hồn oan khuất

Biệt Hải chết tay ôm mìn kích nổ

Giữa đêm trường lạnh buốt thấu xương da

Tàu địch quân thũng đấy máu chan hòa " Vulcan "

Nhuộm đỏ thắm trên dòng sông vĩnh biệt

Hoa dù nở đêm trăng sao lấp ánh

Nấm xương tàn tô điễm dãi non quê

Mộng chiến chinh chưa thõa mãn lời thề

Vì lý tưởng,vì tự do độc lập

Wednesday, October 31, 2007

Phi Vu Biet Kich Phi Doan 219

Phi vụ Biệt kích
Vào năm 1971, phi đoàn trực thăng 219 của Không Quân VNCH, lừng danh trong giới lực lượng Đặc Biệt Việt-Mỹ phải tạm ngưng hoạt động để xuyên huấn từ trực thăng H34 qua UH1. Phi đoàn này chuyên phụ trách những phi vụ thả và bốc các toán Biệt Kích nằm trong vùng địch, dọc đường mòn HCM, có khi sâu vào biên giới Lào và Cao Mên. Là những phi công tài ba, gan dạ.Với phương châm –« không bỏ anh em, không bỏ bạn bè » họ đã chu toàn những phi vụ hiểm nghèo cho các đơn vị biệt kích, dù có hy sinh, mất mát… Vì tài ba và gan dạ, họ chính là niềm hy vọng cuối cùng đối với các toán biệt kích Việt-Mỹ trong lúc bị địch phát hiện và săn đuổi. Những lúc nguy cấp đó, các toán biệt kích rất tin tưởng ở khả năng của các phi công 219 và lên tinh thần khi thấy bóng dáng chiếc H34, vị cứu tinh của mình xuất hiện trên bầu trời… Các phi đoàn UH1, ngoài công việc hằng ngày như liên lạc, tiếp tế, tải thương, đổ quân, bốc quân, gunship hộ tống và yểm trợ tác xạ cho tất cả các đơn vị bạn của QL VNCH, nay lại được giao phó thêm nhiệm vụ đổ và bốc các toán Biệt kích thay cho phi đoàn 219 trong thời gian chuyển tiếp. Được lịnh biệt phái cho lực lượng Biệt Kích Dù đồn trú tại Quãng lợi gần thị xã An Lộc. Sáng tinh sương, khi mặt trời chưa ló dạng, Chúng tôi hai chiếc trực thăng UH1 rời Cần Thơ sát cánh nhau trực chỉ Quãng Lợi. Sau gần một giờ rưỡi bay, chúng tôi ghé phi trường Quãng Lợi, (nơi đồn trú của trung đoàn pháo binh nặng, và cũng là căn cứ trực thăng cùng tiếp liệu của Mỹ) đổ thêm xăng và về đáp tại trại lực lượng Biệt Kích Dù gần đó để túc trực làm việc cho họ… Đang ngồi bên những ly cà phê nóng tại câu lạc bộ cuả trại, người thì chúi mũi vào tờ báo, kẻ khác thả hồn mình lãng đãng theo khói thuốc, chúng tôi giật mình vì tiếng trực thăng ầm ỹ trên đầu. Qua khung cửa kính lờ mờ đầy bụi đỏ, hai chiếc Cobra gunship của Mỹ cũng từ phi trường Quãng lợi đến và đang đáp gần hay chiếc UH1… Tiên đoán trưa nay thế nào cũng có phi vụ cho biệt kích, trong lòng bỗng thấy hơi hồi hộp, tò mò, vì đây là phi vụ đầu tiên, đặc biệt và hoàn toàn mới lạ đối với chúng tôi. Từ lối điều quân bí mật, bất ngờ, nhanh và gọn của biệt kích đến lộ trình bay, bãi đáp đều không giống như cách thức thường làm khi yểm trợ cho các đơn vị bộ binh mà từ bao năm nay chúng tôi đã hằng ngày áp dụng. Cho nên tuy bề ngoài bình thản nhưng trong lòng chắc ai cũng có riêng mình một chút bâng khuâng… Như dự đoán, một Thiếu úy Biệt kích Dù đến mời chúng tôi xuống phòng hành quân để họp. Có mặt tại phòng HQ là vị Đại úy trưởng trại, Thiếu úy thuyết trình viên, hai phi hành đoàn Mỹ và chúng tôi. Thiếu úy thuyết trình viên trông rất thư sinh, đẹp trai, ăn nói hòa nhã và vui vẻ. Tôi không thể ngờ ông sĩ quan trẻ tuổi này lại đại diện cho một đơn vị dữ dằn, cảm tử, chuyên đi vào lòng đất địch, cái chết và sự tra tấn dã man mà địch sẽ dành cho mình lúc nào cũng rình rập một bên!!! Tôi thật sự có cảm tình và khâm phục đơn vị này. Phần thuyết trình đại khái cho biết đơn vị mà chúng tôi sẽ bốc gồm bốn người, trưởng toán là một Thiếu úy. Tất cả đều bận quân phục của lính chính quy Bắc Việt, trang bị súng AK 47 của CS, chỉ có khác là thay vì đi dép râu thì họ lại xử dụng giày của quân đội VNCH, mang nhiều bidon nước và lựu đạn mini… Họ dặn chúng tôi khi tới đón toán, nếu thấy khói trắng là bãi đáp an toàn, khói đỏ thì phải lập tức bay đi để bảo đảm sự toàn vẹn cho họ lẫn phi hành đoàn. Ban ngày có mặt trời, họ dùng kíếng phản chiếu, ban đêm họ dùng đèn chớp làm hiệu để đánh dấu vị trí. Chúng tôi, các phi công Mỹ và Thiếu úy Biệt kích trao đổi tần số làm việc với nhau. Danh hiệu chúng tôi là Eagle, Mỹ là Playboy, phi cơ hướng dẫn là Spartan. Họ cũng không quên nói rằng điạ điểm bốc biệt kích sẽ được giữ kín cho đến khi chúng tôi lên trời và sẽ được Spartan hướng dẫn. Chúng tôi và phi công của hai chiếc Cobra sau khi thử tần số liên lạc với nhau, lần lượt cất cánh. Phi cơ VNAF bay hợp đoàn dẫn đầu và hai chiếc Cobra Mỹ theo sau, làm vòng chờ ở bốn ngàn bộ ngay trên căn cứ Quãng Lợi. Đúng giờ hẹn, một giọng khàn khàn vang lên trong nón bay và chúng tôi bắt đầu đối thoại: - Eagle 1, this is Spartan, how do you read me - over - This is Eagle 1, I read you loud and clear- over - Eagle 1, I will present myself by flying in front of you, and shaking my wings - over Sau khi thấy chiếc Spartan ở phiá trước đang lắc cánh, tôi bấm máy trả lời - Spartan this is eagle 1, I have you in sight - over Khi nghe như vậy chiếc Spartant quẹo gắt và biến mất về phía sau. - Eagle 1 this is Spartan,I will guide you to the LZ -over - Roger that, tôi trả lời - Eagle 1 this is Spartan, heading 280 at 2000 feet -over - Roger, heading 280, at 2000 feet Trả lời xong,tôi giảm cao độ và nhờ co-pilot đổi qua tần số nội bộ để gọi chiếc số hai - Hai đây một gọi - Hai nghe, nói đi - Tôi sẽ bay theo sự hướng dẫn của Spartan, bạn theo tôi nhưng giữ cao độ 3000 bộ, làm vòng chờ lúc tôi đáp, quan sát tình hình bãi đáp,nghe rõ không trả lời? - Hai nghe năm Tôi cho tàu bình phi ở 2000 bộ, cơ phi và xạ thủ báo cáo là hai Cobra Mỹ lúc nào cũng theo xa xa…mặc đù họ bay nhanh hơn chúng tôi. Chúng tôi giữ yên lặng vô tuyến, đúng hướng bay và cao độ ấn định vào khoảng mười phút thì tiếng cuả Spartan lại khàn khàn vang lên chậm rải,rõ ràng: - Eagle 1 this is Spartan, at one o’clock position, one mile away, do you see an opening in the jungle and the reflecting of a mirror in that opening? - That is your LZ - over. Nhìn về hướng một giờ, thấy ánh chớp nhấp nháy,tôi bèn trả lời. - Roger,I have the LZ in sight Tiến đến gần hơn,tôi thấy một khoảng trống bằng cái sân đá banh và có chiều dài kha khá, cỏ tranh úa vàng và chung quanh là rừng cây xanh không rậm rạp lắm. Ở giữa đám cỏ tranh lấp lánh ánh phản chiếu của tấm kíếng mà biệt kích đang xử dụng để đánh dấu bãi đáp cho tôi. Nãy giờ các pilots của mấy chiếc Cobra vẫn theo dõi cuộc đàm thoại giữa tôi và chiếc Spartan nhưng họ giữ im lặng. Bây giờ lead Cobra mới lên tiếng gọi - Eagle 1 this is Playboy 1- over - Playboy 1 goes ahead, tôi trả lời - Sir, after you lift-off, go straight forward do not turn left or right, we will shoot on both sides of the jungle - over - Roger that, take off straight forward, thank you Sir. Tôi trả lời Tôi giảm nhanh cao độ và gọi số hai - Hai đây một - Hai nghe nói đi Tôi bắt đầu decend, bạn giữ 3000 bộ trên bãi đáp - Hai nghe 5 Tự biết khả năng bay bổng tầm thường của mình, và vì chưa có kinh nghiệm bay cho Biệt kích nên tôi chọn cách approach nào hợp với mình nhất.Tôi mừng thầm là rất may mắn có cái LZ trống trải như hôm nay thì đỡ phải vật lộn với con tàu.Cho nên dù có đáp hay cất cánh theo chiều dài của cái khoảng trống với tốc độ cao, tail wind nhẹ thì cũng không sao... Tính toán như vậy, tôi bèn đổi hướng một tí để line up tàu với chiều dài của khoảng trống.Tôi vào cận tiến thật nhanh và giảm cao độ thật lẹ, nhắm hướng nhấp nháy của tấm kíếng phản chiếu nhào tới, tôi flair phi cơ tối đa và đáp ngay trên anh chàng chiếu kiếng làm chàng ta phải chạy dạt sang bên và phóng lên đầu tiên khi tàu vừa chạm đất. Tôi thấy thấp thoáng vài bóng mặc quân phục chính quy BV xách AK chạy thật nhanh từ bìa rừng về phía phi cơ, dù đã đươc biết trước về quân phục và trang bị của biệt kích nhưng chúng tôi cũng không khỏi giật mình vì chưa quen với cảnh này, tuy nhiên mấy chàng xạ thủ trực thăng với hai cây đại liên M60 lúc nào cũng hờm sẵn để nhả đạn nên chúng tôi cũng tạm an tâm.Thoắt một cái, tất cả đã lên tàu, không chần chờ một giây, tôi nhất bổng tàu lên và chúi mũi về phiá trước để lấy tốc độ cất cánh. Khi bụng phi cơ vừa lướt trên ngọn cây thì cũng là lúc hai chiếc Cobra nhào xuống phóng vài rocket nổ ầm ầm và các cây Garling guns tuôn ra mấy ngàn viên đạn một phút nghe như bò rống bắn chụp lên hai bên bìa rừng. Xạ thủ đại liên M60 của tàu chúng tôi cũng bắn chát chúa xuống rừng cây trên đường bay ra. Hoạt cảnh ồn ào và linh động giống như một đoạn phim của Hollywood. Tôi rũa thầm mấy tay Playboy này bắn rocket gần quá coi chừng tàu trúng miễng thì bỏ mẹ cả lũ ! Lấy cao độ thật nhanh và bình phi ở 3000 bộ, Tôi gọi số hai. - Hai đây một gọi - Hai nghe - Hai đang ở đâu? - Ba giờ của một, 3000 bộ Nhìn qua hướng ba giờ thấy số hai đang bay về phía tôi. Chúng tôi ráp vào nhau lấy hướng căn cứ biệt kích trực chỉ... Hai chiếc Cobra từ xa bay vào kè sát với chúng tôi, pilot bên chiếc Cobra lead đưa ngón tay cái lên và tiếng của họ vang lên: - Eagle 1, this is play boy 1 - Go ahead, playboy 1, tôi trả lời - Job well done eagle 1, good luck and good bye, Sir - Same to you, thank you and good bye, Sir Hai chiếc Cobra tách ra và xa dần chúng tôi. Trên đường về, trưởng toán biệt kích râu ria lởm chởm trao cho tôi điếu thuốc và châm lửa dùm. Rít một hơi dài, tôi cảm nhận điếu thuốc Quân tiếp vụ của lính sao quá đậm đà, cái đậm đà của tình chiến hữu, của sự trở về bình an và của khí trời thanh cao, mát mẻ… Nhờ co-pilot lái hộ tàu, tôi ngồi hút thuốc và nghỉ về phi vụ của chúng tôi sao lại quá dễ dàng, chẳng có một tí hiểm nguy nào rình rập… Vậy mà các bạn tôi, những phi công tài hoa, những phi hành đoàn kinh nghiệm lại bị những viên đạn thù đốn ngã, tan xác cùng con tàu định mệnh, đi không ai tìm xác rơi hoặc cháy thành tro bụi hoặc bị thương tật, tàn phế suốt đời ! Phải chăng là do định mệnh, hoặc nhờ may mắn mà tôi chưa bị lọt vào ổ phục kích hay nhận lãnh những viên đạn thù như chúng bạn? Đời bay bổng còn dài… ngày mai nào ai biết ra sao, que sera..sera ? Cali

UH1 Phi Doan 219

Wednesday, October 24, 2007

Dai Uy Warren Orr Jr

VÀI NÉT VỀ TIỂU SỮ CỦA ĐẠI ÚY WARREN ORR Jr.

Đại Úy Warren Orr Jr, sinh ngày 20 tháng 3 năm 1943, tại thành phố West Frankfort, Tiểu bang Illinois. Thân phụ ông Warren Orr Sr, là một cựu quân nhân từng tham dự Thế Chiến Thứ Hai khi ông vừa chào đời được một tháng. Ông lớn lên tại một thị trấn nhỏ năm 1961, ông tốt nghiệp trường Trung Học Kewanee. Năm 1963 chỉ còn một tháng để tròn 20 tuổi , ông quyết định lên đường nhập ngũ, và gia nhập binh chủng Không Quân Hoa Kỳ tại thành phố Peoria. Warren Orr Jr, trở thành một trong những người Cố Vấn Quân Sự Hòa Kỳ đầu tiên được gởi đến Việt Nam vào thời kỳ Tổng Thống Kennedy. Sau đó, ông tái tình nguyện lần thứ hai để tham chiến tại Việt Nam. Năm 1968, Ông là Đại Úy Lực Lượng Đặc Biệt Mũ Xanh Hoa Kỳ (Gren Beret) Sỉ Quan Đặc Trách Dân Sự Vụ thuộc Đại Đội C, Liên Đoàn 5 Lực Lượng đặc Biệt.
Vào cuối tháng Ba 1968, Tình Báo Hoa Kỳ phát hiện tin tức Công Trường 2 Bắc Việt với một lực lượng hơn 10,000 người, di chuyển từ Bắc vào miền Nam xuyên qua Lào, về phía Nam qua cửa ngõ thị trấn Khâm Đức, thuộc tỉnh Quảng Tín, tiến về Thị Xã Đà Nẳng.
Khâm Đức, nằm về phía Tây tỉnh Quảng Tín, vào mùa Xuân năm 1968 chỉ có một tiền đồn do Lực Lượng Đặc Biệt Việt Nam Cộng Hòa thuộc Quân Đoàn I trấn giử, cách thị xã Đà nẳng 46 dặm về phía Tây Nam, trong một vùng đồi núi hiểm trở, không có dân cư sinh sống. Trại Lực Lượng Đạc Biệt nầy nằm chơi vơi giữa hai triền núi Ngok Peng Bum và Ngok Pe Xar, trong trại có một phi trường nhỏ trước đấy vốn là một đồn của lính Pháp để lại.
Để theo dỏi việc chuyễn quân của Công Trường 2 Cộng Sản, Trại gởi ra một toán trinh thám gồm 3 sĩ quan tình báo người Úc và một nhóm Lực Lượng Đặc Biệt Người Nùng đóng tại triền núi Ngok tavak, giữa biên giới Việt Lào và Trục Lộ 14.
Bộ Tư Lệnh Công Trường 2 Bắc Việt không thể nào tiến vào Đà Nẳng mà không đi ngang qua nút chặn Ngok Tavak và Khâm Đức. Vào Chạng vạng ngày 10 tháng 5, 1968, Công Trường này quyết định tấn công Ngok Tavak, cùng lúc vào 2 giờ 45 sáng, quân Bắc Việt đã tấn công vào trại Lực Lượng Đặc Biệt Khâm Đức mỡ đầu với những cuộc pháo kích khốc liệt.
Trận chiến kéo dài trong 2 ngày trong sự chênh lệch về quân số, với sự chống trả oanh liệt của các chiến sĩ Lực Lượng Đặc Biệt và đồng minh Hoa Kỳ, Úc đại Lợi, 19 quân nhân Hoa Kỳ bị bắt và trở thành Mất Tích hoặc Chết khi Chiến Đấu/ Thi Hài Không Tìm Được. Kết cục, không một người nào sống sót mặc dầu lệnh di tãn và rút lui đã được ban hành.
Vào lúc 1 giờ trưa ngày 12 tháng 5 năm 1968, mặc dầu có lệnh di tãn toàn bộ quân lính và thân nhân của trại Khâm Đức nhưng trước sự pháo kích tàn khốc của Cộng Quân, cuộc di tãn đã xảy ra trong một tình trạng tuyệt vọng.
Để giúp di tản thân nhân của những quân nhân trọng tại, một vận tãi cơ C130B ( số hiệu #60-0297) từ căn cứ Mactan, Phi Luật Tân bay đến Khâm Đức. Phi Hành Đoàn gồm có 5 người do Thiếu tá Bernard Bucher, Phi hành trưởng, Thiếu Úy Stephen Moreland, Phó Phi Hành, Thiếu Tá John McElroy chuyên viên không hành,Thượng Sĩ Frank Hepler, chuyên viên cơ khí, và Hạ Sĩ George Long , chuyên viên vận tãi. Ngoài trên máy bay còn có Đại Úy Warren Orr , Jr., thuộc LỰc Lượng Đặc Biệt với nhiệm vụ di tãn càng nhiều càng tốt những thân nhân của các người lính tại trại Khâm Đức. Chiếc máy bay C130 đáp xuống phi đạo của trại trong một khung cảnh náo loạn của chiến trường.
Sau khi đón được vào khoãn 150 trẻ em và phụ nữ Việt Nam , vợ con của những người lính trong trại, chiếc máy bay đả nổ tung sau khi vừa mới cất cánh được giây phút vì bị trúng đạn pháo kích. Theo báo cáo của máy bay quan sát, phi cơ rơi xuống cánh rừng cách phi đạo chừng một dặm.
Mọi người trên máy bay được coi như đã tử nạn, tuy nhiên trường hợp của Đại Úy Orr, thoạt đầu không ai biết chắc là ông có mặt trên chuyến bay hay còn ở lại dưới đất. Bởi vì không còn một ai là nhân chứng
Vào ngày 18 đến ngày 21 thang 7 năm 1970 và những ngày 17 đến 20 tháng 8 năm 1970, những nỗ lực tìm kiếm hài cốt các quân nhân Hoa kỳ tai Khâm Đức đã không tìm được vết tích của chiếc máy bay C130B, vì bị che lấp bởi cây cối và Khâm Đức lúc đó nằm trong sự kiểm soát của Cộng Sản.
Mãi cho đến năm 1994, khi những dân làng địa phương bắt đầu bán những mãnh sắt vụn của phi cơ trộn lẫn với xương. Lúc đó việc tìm lại được vết tích và hài cốt của phi hành đoàn Hoa Kỳ mới được xác nhận
Nhân viên Ngũ Giác Đài tại Hoa Thịnh Đốn đã cho thân phụ của ông là Warren Orr,Sr., biết là có 6000 mãnh xương cùng với nhiều di vật khác đã được thu hồi tại chổ máy bay rớt, và phải tốn nhiều năm mới có thể nhận diện tông tích của những người quá cố.
Lúc ban đầu người cha đã không tin tưởng vào những lời hứa này, bởi vì trong quá khứ nhiều gia đình đã được trao trả hài cốt không đúng thân nhân của họ. Tuy nhiên khi ông nhận được những bằng chứng thử nghiệm DNA và ông tin thật đây là hài cốt cũa đại úy Orr. Người cha đã mãn nguyện và an tâm tìm lại được sự bình an trong tâm hồn.
Bà Mary Orr, mẹ của người sĩ quan anh dủng này qua đời không lâu sau khi được tin con mình mất tích tại Việt Nam. Ông còn một người em trai, Gregory Orr hiện sống tại Santa Ana, Quận Cam.
Tháng 11 tới, Đại Úy Orr sẽ được an táng với đủ lễ nghi quân cách tại Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington, Virginia. Một buổi lễ truy điệu cho ông và 5 phi hành Đoàn của chiếc C130 sẽ được cử hành tại đây.
Trước đó vào ngày thứ Bảy 27 tháng 10, 07, một buổi lễ truy điệu long trọng tại Đài Tưởng Niệm Việt Mỹ Westminster, do Giám Sát Viên Janet Nguyễn , cộng đồng người Việt và những người cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa tổ chức. Một quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa sẽ được trao tặng cho gia đình ông để biểu lộ lòng biết ơn của cộng đồng Việt Nam đối với một người đã anh dủng hy sinh cho lý tưởng tự do.